Bất ngờ xả lũ
Sáng 31-7, như thường lệ, ông Nguyễn Kim Hùng (65 tuổi) ở thôn Mỹ Lệ Tây, xã Hòa Bình 2, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, đưa 4 con bò của nhà ra thả ở cồn cỏ giữa sông Ba.
Hiện có 5 thủy điện nằm trong hệ thống bậc thang thủy điện trên sông Ba là An Khê- Ka Nak, A Zun Hạ, Krông H’năng, Sông Hinh và Sông Ba Hạ. Việc thêm thủy điện An Khê - Ka Nak đưa nước từ sông Ba về sông Côn nhưng lại xả lũ về sông Ba đã đẩy vùng hạ lưu sông Ba phải đối mặt với ngập lụt do thủy điện xả lũ.
Ông Đào Tấn Cam, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Phú Yên, khẳng định: “Nếu không giám sát chặt việc xả lũ, việc vận hành liên hồ của các thủy điện ở khu vực này, mùa mưa năm nay, Phú Yên sẽ bị ngập lụt khủng khiếp hơn”. |
Người dân các huyện Đông Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa và TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên thật sự hoang mang khi sau đó hay tin thủy điện xả lũ. Người dân nơi đây luôn ám ảnh về trận lụt đầu tháng 11-2009 do thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ với lưu lượng nước có lúc lên đến 14.450 m3/giây, nhấn chìm cả một vùng rộng lớn hạ lưu sông Ba.
Tăng nhanh lưu lượng xả lũ
Việc nước hạ lưu sông Ba lên cao trong ngày 31-7 là do thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ. Theo các bản fax của Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ gửi về Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, việc xả lũ được bắt đầu từ 20 giờ ngày 30-7 với lưu lượng xả 200 m³/giây, đến 22 giờ lên 400 m³/giây, đến 23 giờ 30 phút tăng lên 595 m³/giây, cộng với lưu lượng xả nước chạy máy 400 m³/giây nên lưu lượng nước xả xuống hạ lưu sông Ba lên gần 1.000 m³/giây, làm cho mực nước ở đây tăng nhanh, đến 9 giờ ngày 31-7 nước dâng đạt đỉnh lũ.
Theo ông Nguyễn Đức Phú, Phó Giám đốc Công ty CP Thủy điện sông Ba Hạ, việc xả lũ giữa mùa khô của thủy điện Sông Ba Hạ là bất khả kháng khi lưu lượng nước vào hồ tăng nhanh, có lúc lên đến 985 m3/giây.
Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Trúc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, ông chỉ nhận được thông báo thủy điện xả lũ với lưu lượng 200 m³/giây nên không thông báo cho dân. Không ngờ Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ tăng lưu lượng xả lũ nhanh như vậy, ông Trúc bức xúc: “Chỉ mới đây, các công trình thủy điện trên sông Ba đều tích hết nước khiến cả vùng hạ lưu Phú Yên bị khô hạn. Vì vậy, tỉnh phải đề nghị các Bộ NN-PTNT, Công Thương can thiệp để các thủy điện xả nước về hạ lưu cứu lúa nhưng họ vẫn không chịu xả. Bây giờ, chỉ mới mưa mà họ đã xả lũ như vậy”.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đức Phú, lo lắng nhất của nhà máy là các thủy điện bên trên như An Khê- Ka Nak, Krông H’năng đồng loạt xả lũ nhưng may mắn là không xảy ra. “Nếu các nhà máy này đồng loạt xả lũ, buộc chúng tôi phải tăng lưu lượng xả nước, vùng hạ du đã phải ngập thêm” - ông Phú nói.
Xả lũ sai sẽ xử lý nghiêm
Về việc Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ bất ngờ xả lũ, ngày 1-8, ông Đỗ Đức Quân, Vụ phó Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết: “Việc xả lũ của nhà máy phải theo quy trình đã được ban hành, nếu làm trái sẽ phải xử lý thật nghiêm”. Theo ông Quân, hiện cơ quan chức năng đang chờ báo cáo của nhà máy và kiểm tra việc dự báo thời tiết, dự báo xả và thực tế lưu lượng xả. Tuy nhiên, ông Quân cho rằng sẽ chấn chỉnh, nhắc nhở thủy điện Sông Ba Hạ phải tuân thủ đúng quy trình xả lũ và vận hành nhà máy.
Theo quy trình xả lũ, trong trường hợp bất khả kháng như lũ về bất ngờ với lưu lượng quá lớn, nhà máy buộc phải xả thì đơn vị xả lũ phải báo cáo cho các cơ quan hữu quan, chính quyền địa phương để có phương án sơ tán dân và tài sản. Đáng nói đây không phải là lần đầu Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ xả nước mà không thông báo trước. Vào ngày 2-11-2010, nhà máy này xả lũ với lưu lượng hơn 6.000 m3/giây nhưng không báo cho UBND tỉnh Phú Yên trước 2 giờ theo đúng quy trình. B.Trân |
Bình luận (0)