xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xót cho vườn Cát Tiên!

THU SƯƠNG - XUÂN HOÀNG

Những cổ thụ 3 vòng tay người ôm, những thảm thực vật nguyên sơ chưa từng bị tác động… trong Vườn Quốc gia Cát Tiên đang đứng trước nguy cơ chìm xuống lòng hồ thủy điện vĩnh viễn

Ngày 6-8, các nhà khoa học và chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường, bảo tồn sinh học… đã có chuyến khảo sát thực tế Vườn Quốc gia Cát Tiên tại khu vực xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên - Lâm Đồng, nơi dự kiến xây dựng Thủy điện Đồng Nai 6.

Nhiều loài quý hiếm bị “bỏ quên”

Với cao trình mực nước dâng 224 m, đập thủy điện Đồng Nai 6 sẽ làm ngập khoảng 86,43 ha rừng vườn Cát Tiên, gồm các Tiểu khu 421, 422 và 506 thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt.
Để tiếp cận được vị trí xây thủy điện trên sông Đồng Nai, đoàn khảo sát đã lội bộ băng rừng trên 5 km, xuống sâu gần 100 m. Chặng đường nào cũng khiến đoàn khảo sát ngạc nhiên vì vẻ đẹp, sự trù phú và hùng vĩ của vườn quốc gia này.

Khác với những báo cáo chung chung của Bộ NN-PTNT, rằng khu vực dự án chỉ là rừng gỗ nghèo, rừng nghèo hỗn giao…, chúng tôi đã bắt gặp khá nhiều loài cây quý có tên trong Sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế, như: cẩm lai, trắc, mun, kơ-nia…, trong đó nhiều cổ thụ đến 3 vòng tay người ôm  mới kín.

img

TS Vũ Ngọc Long, Viện Sinh học nhiệt đới,  lúc phát hiện loài hùng lan Việt. Ảnh: THU SƯƠNG

Bất ngờ trong chuyến khảo sát, TS Vũ Ngọc Long, thuộc Viện Sinh học nhiệt đới, đã phát hiện thêm 2 loài thực vật đặc hữu của khu vực Cát Lộc, đó là hùng lan Việt và một loài thực vật hoại sinh (dạng nấm) khác. TS Long cho biết hùng lan Việt chỉ có một họ, một chi, là loài hơi cổ và có quan hệ với hệ thực vật Malaysia.
“Về mặt giá trị kinh tế của cây gỗ thì 2 loại này không có nên có thể bị xếp vào loại rừng gỗ nghèo. Tuy nhiên, nó có giá trị rất lớn về mặt di truyền học và chỉ duy nhất có ở khu vực này mà thôi. Bên cạnh đó, sự tồn tại của 2 loại thực vật này cho thấy hệ thực vật ở khu vực dự kiến là lòng hồ ngập nước cũng như khu vực lân cận còn khá nguyên sơ, chưa bị tác động, có giá trị rất lớn trong nghiên cứu”- TS Long nhấn mạnh.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng phát hiện nhiều loài thực vật quý hiếm trong lĩnh vực dược học, như: ba gạc, sâm cau, vài loại cây họ gừng… và một số loài thực vật khác chưa được định tên.
Những phát hiện này tiếp nối bất ngờ khác, đến nỗi TS Đào Trọng Tứ, thuộc mạng lưới sông ngòi Việt Nam, phải thốt lên: “Làm kinh tế có nhiều cách nhưng không có cách gì để một lần nữa có lại những loại cây này!”.
Vậy mà, những loài thực vật quý hiếm này đã bị Bộ NN-PTNT cũng như các đơn vị thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án “phớt lờ” khi trình Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng như báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Những cổ thụ đến 3 vòng tay người ôm, những thảm thực vật nguyên sơ chưa từng bị tác động… trong Vườn Cát Tiên đang đứng trước nguy cơ chìm xuống lòng hồ thủy điện vĩnh viễn khiến các nhà khoa học không giấu được nỗi xót xa.

“Họ không biết quý rừng”!

Tại xã Đồng Nai Thượng, bên cạnh một số người dân không hay biết gì về hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, nhiều người khác có quyền lợi thiết thực bị ảnh hưởng tại đây đã phản ứng gay gắt.
Anh Ba Thiều, một người dân sống bằng nghề đánh bắt cá, lo ngại: “Họ làm thủy điện tràn lan như thế này thì rồi đây, sông đâu có còn là sông nữa! Tôi và nhiều người dân khác sống bằng nghề này cũng phải bỏ sông lên rừng mà thôi”.
Theo anh Ba Thiều, tuy sống ở thượng nguồn nhưng có nhiều người dân địa phương cùng làm nghề chài lưới dọc “miệt dưới” sông Đồng Nai. Anh cho biết từ ngày có quá nhiều thủy điện mọc lên, dòng sông càng thêm đục ngầu và ngày càng cạn kiệt.
Chị Nguyễn Minh Tâm, một người gắn bó với rừng từ nhiều năm nay, dù thú thật chưa một lần vào Vườn Cát Tiên nhưng vẫn băn khoăn: “Tôi thấy tiếc cho vườn quốc gia này quá”…

Tỏ ra tâm huyết và quan tâm nhiều đến thông tin dự án thủy điện sẽ được khởi công ngay đầu nguồn con sông này, ông Nguyễn Lắm, gần 60 tuổi, bức xúc: “Tại sao lại có thể suy nghĩ thiển cận như vậy được, chỉ vì mục đích nào đó mà làm ảnh hưởng đến con cháu mai sau là không được. Thủy điện đã băm nát con sông này rồi. Thủy điện có thể làm hoặc không làm nhưng vườn thì cần phải bảo vệ vì không dễ gì trồng lại được”.

Có mặt trong chuyến khảo sát, ông Vũ Ngọc Lân, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên, nhận xét: “Họ không biết quý rừng, họ chỉ chăm chăm thực hiện ý đinh đem lại cái lợi cho mình mà thôi”.

Xã Đồng Nai Thượng, nơi đang được “nhăm nhe” làm thủy điện, thuộc vùng đệm của vườn Cát Tiên. Tham gia cuộc khảo sát cùng với các nhà khoa học, chúng tôi nhận thấy đây là khu vực còn hết sức hoang sơ, các loài cây ken nhau dày đặc, chỉ thỉnh thoảng mới có dấu chân người.
Dòng sông đoạn này cuồn cuộn chảy nhưng chiều rộng chỉ khoảng vài chục mét, đứng từ phía xã Đồng Nai Thượng nhìn sang ngay mép sông bên kia là vách núi cao còn nguyên vẻ hoang sơ.
Đây là vùng rừng phòng hộ, thuộc địa bàn tỉnh Đắk Nông. Những người tâm huyết với rừng tại Đắk Nông cũng đang phản ứng quyết liệt khi hay tin về hai dự án Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A này.

Chiều 6-8, đứng giữa khu rừng hoang sơ, ngay sát bên mép nước thượng nguồn sông Đồng Nai, một nhà khoa khọc chuyên về môi trường đã thốt lên: “Đây chắc chắn là những thủy điện cuối cùng trên sông Đồng Nai. Họ sẽ không xây dựng thêm bởi sẽ không còn có lợi kinh tế nữa nhưng hỡi ôi, thủy điện đã lên đến tận điểm đầu nguồn sông rồi. Họ sẽ không thêm thủy điện khác nữa nhưng sông và rừng cũng đã bị băm nát cả rồi”.

Những thực tế ghi nhận trong chuyến khảo sát sẽ được trình bày trong buổi hội thảo hôm nay, 7-8, về quản lý tổng hợp rừng đầu nguồn và lưu vực sông Đồng Nai - trường hợp Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, do Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, Vườn Quốc gia Cát Tiên và Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam đồng tổ chức.

Rừng quý, không phải rừng nghèo!

Theo TS Vũ Ngọc Long, khu vực dự kiến xây đập thủy điện Đồng Nai 6 có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học rất cao. Thứ nhất, vì có khu vực này nên có nhiều loài đặc hữu của vùng, còn khá nguyên sơ, chưa có tác động lớn. Thứ hai,  hệ sinh thái hỗn giao giữa gỗ, tre, nứa… giúp thoát nước tốt. Thứ ba, rừng hỗn giao này có đan xen thảm thực vật đặc trưng bên dưới, tạo ra một thảm mùn tốt để giữ nước.
“Rừng này rất giàu đối với môi trường và bảo tồn sinh học. Khu vực này là rừng quý chứ không phải rừng nghèo!”- TS Long nhấn mạnh.
img

Hùng lan Việt - một loài đặc hữu ở vùng Cát Lộc, được tìm thấy trong chuyến khảo sát ngày 6-8

Ngoài ra, với 26 loài thú quý hiếm xếp trong Sách đỏ Việt Nam và 22 loài thú quý hiếm bị đe dọa xếp trong danh lục đỏ thế giới, như: tê giác một sừng (loài cực kỳ nguy cấp), hổ Đông Dương, voọc chà vá chân đen, bò tót…, khu hệ thú rừng Cát Lộc còn rất giá trị về mặt bảo tồn nguồn gien và đa dạng sinh học.

Sông Đồng Nai giờ là... sông Hồng

Gặp gỡ trước hội thảo về vấn đề thủy điện và Vườn Quốc gia Cát Tiên, nhiều nhà nghiên cứu môi trường chỉ vào dòng sông Đồng Nai vùng thượng nguồn rồi chua xót: “Sông Đồng Nai bây giờ cũng là sông Hồng rồi”.

img

TS Kỷ Quang Vinh, ĐH Cần Thơ, lấy mẫu nước sông Đồng Nai để nghiên cứu

Chúng tôi chợt nhận ra tất cả những lần đến đây đều thấy dòng sông này trong tình trạng một màu đục ngầu.
Chị Trần Thị Xuân, một người dân sinh sống bên sông, trăn trở: “Nhiều năm nay rồi, sông chỉ đục ngầu thế thôi. Màu trong xanh chỉ có cách đây cả 10 năm, khi tôi mới về khu này ở”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo