xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thận trọng với thủy điện

Tiến sĩ Đào Trọng Tứ

Phát triển thủy điện phải bền vững, công bằng cho mọi người, cho sinh thái, môi trường, cho hôm nay và con cháu mai sau

Nguồn lợi thủy điện Việt Nam hiện đang được xem là tài nguyên thiên nhiên phong phú cần và phải được khai thác. Xây các nhà máy thủy điện dù lớn hay nhỏ đang được xem là một kênh đầu tư hấp dẫn, mang lại lợi nhuận cao, hoàn vốn nhanh. Tuy nhiên, thực trạng phát triển thủy điện ở Việt Nam cũng đang làm cho nhiều người băn khoăn, lo lắng.

Thủy điện trên sông Đồng Nai: Phải cân nhắc kỹ!

Nhìn vào quy hoạch và sự phát triển thủy điện của một dòng sông cụ thể, chúng ta có thể thấy nhiều điều. Sông Đồng Nai là một trong những con sông lớn nhất Việt Nam với diện tích lưu vực 43.681 km2, tổng lượng nước: 37,4 tỉ m3, chiều dài: 620 km (dòng chính sông Đồng Nai).
Lưu vực sông Đồng Nai là nguồn cung cấp nước duy nhất cho vùng trọng điểm kinh tế lớn nhất Việt Nam (12 tỉnh, khoảng 20 triệu người), trong đó có nhiều trung tâm kinh tế lớn như Bà Rịa-Vũng Tàu, TPHCM, Bình Dương. Tuy nhiên, tài nguyên nước bình quân cho đầu người lại rất thấp so với trung bình của quốc gia: 2.296 m3/năm (bình quân cả nước 9.650 m3/năm). Như vậy, nguồn nước sông Đồng Nai lại càng có tầm quan trọng lớn lao hơn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng đất này.
Theo quy hoạch, sẽ có từ 10 đến 14 nhà máy thủy điện được xây dựng trên dòng chính Đồng Nai, 5 trên dòng nhánh La Ngà và 6 trên sông Bé. Các con số trên cho thấy mật độ của các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai là khá cao. Bên cạnh những đóng góp tích cực đến an ninh năng lượng khu vực của các hệ thống thủy điện trên sông Đồng Nai, sự phát triển quá dày đặc các hệ thống thủy điện trên dòng chính đang đặt ra những thách thức lớn cho môi trường - sinh thái - sinh kế và vùng đầu nguồn.
img
Cuộc sống của nhiều người dân ở lưu vực sông Đồng Nai khó khăn hơn
khi dòng sông bị thủy điện ken dày, nguồn nước ô nhiễm. Ảnh: THU SƯƠNG
Những tác động này được đánh giá là đang và sẽ đảo lộn sinh thái, sinh cảnh của phần lớn khu vực thượng và trung lưu của hệ thống sông Đồng Nai, cụ thể là tăng khả năng đe dọa lũ mùa mưa và thiếu nước mùa khô (phần lớn các hồ chủ yếu phục vụ phát điện - nhiều nhà đầu tư tham gia xây dựng - sở hữu và vận hành các bậc thang thủy điện - nhiều yếu tố phát triển bền vững đã không được thực hiện). Một số bậc thang thủy điện Đồng Nai còn làm ngập một số diện tích Vườn Quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai 6 và 6A). Tuy diện tích ngập vườn quốc gia khoảng 137 ha nhưng đây lại chính là tâm điểm của sự chú ý vì các văn bản của Nhà nước đã quy định bảo vệ rất nghiêm ngặt đối với nguồn tài sản rừng của quốc gia đang ngày bị thu hẹp.
Do đó, vấn đề đánh giá chính xác tác động, cân nhắc kỹ giữa mặt được và mất trong phát triển thủy điện nói chung và thủy điện Đồng Nai nói riêng cần phải được Nhà nước cân nhắc thật kỹ lưỡng. Tác động tích cực của thủy điện dễ nhận biết và được đánh giá cao nhưng những tác động tiêu cực do nó gây ra thì không dễ nhận biết bởi chúng không xảy ra ồ ạt, tức thì mà diễn ra thầm kín, từ từ.

Hậu quả khó lường

Việt Nam có 13 hệ thống sông lớn với diện tích lưu vực trên 10.000 km2, 11/13 hệ con sông trên đều có tiềm năng phát triển thủy điện, đã và đang được khai thác triệt để. Theo Bộ Công Thương, toàn quốc đã có quy hoạch phát triển trên 1.021 nhà máy thủy điện với các quy mô khác nhau. Hiện đã có trên 500 nhà máy thủy điện được xây dựng.
Có thể thấy tất cả các con sông đều đã và sẽ xuất hiện mật độ các công trình thủy điện khá dày đặc. Nếu trong thập kỷ 60-70 của thế kỷ 20, khi đất nước còn chiến tranh, miền Bắc phải tập trung nhiều nguồn lực mới xây dựng được nhà máy thủy điện Thác Bà (với sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô cũ), công suất 108 MW thì bước sang thập kỷ 90 của thế kỷ trước và thập niên đầu tiên của thế kỷ này, chúng ta đã và đang xây dựng thủy điện với tốc độ khó hình dung: Người người làm thủy điện; thủy điện lớn có các tập đoàn, công ty lớn đầu tư xây dựng; thủy điện vừa và nhỏ có các tập đoàn vừa, nhỏ và cả những nhà đầu tư cá nhân đều có thể tham gia.
Đà phát triển này vẫn đang tiếp tục được thúc đẩy. Thủy điện là công trình hạ tầng lớn và phức tạp, có ảnh hưởng đến nhiều người, nhiều khu vực. Tốc độ phát triển này không những gây lo ngại cho công luận, bản thân các cơ quan Nhà nước cũng đã phải vào cuộc để đánh giá lại quy hoạch, đầu tư và vận hành các dự án thủy điện ở Việt Nam.

 Không ai phủ nhận tầm quan trọng của thủy điện. Sức hấp dẫn của thủy điện càng lớn cùng với nhu cầu điện ngày càng gia tăng trong khi các nguồn nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu mỏ...) đang tăng nhanh và nguồn nhiên liệu này cũng không được coi là vô tận. Tuy nhiên, thủy điện cần được phát triển như thế nào để bảo đảm rằng nguồn tài nguyên nước cũng như nguồn tài nguyên liên quan (rừng, đất, động thực vật - nguồn tài nguyên được Nhà nước xác định là tài sản chung của quốc gia) được sử dụng công bằng, hợp lý, bảo đảm không những cho thế hệ hôm nay mà còn cho con cháu mai sau. Đây là câu hỏi cần được trả lời, nếu không chúng ta sẽ phải gánh chịu những hậu quả khó lường.

“Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương xem xét điều chỉnh quy hoạch, hạn chế tối đa việc xây các công trình thủy điện bậc thang ở vùng thượng nguồn sông Đồng Nai vì hệ thống thủy điện trên sông Đồng Nai đã và đang có những tác động lớn đến môi trường sinh thái, là nguyên nhân gây lũ lớn trong mùa mưa bão và cạn kiệt dòng nước trong mùa khô ở vùng hạ lưu…”.
(Trích công văn của UBND TPHCM gửi Thủ tướng Chính phủ)
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo