Tập sách - như cái phụ đề của nó - truyện tuyệt ngắn và truyện một câu (micro fiction and one sentence story) là một thể loại khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng đang dần dà phổ biến trên thế giới với nhiều tên gọi khác nhau: Vi hình tiểu thuyết, truyện ngắn trong lòng bàn tay, flash fiction, quick fiction, fast fiction, sudden fiction, postcard fiction, minute-long stories, the short short story... với những tên tuổi tác giả lừng danh thế giới, như: Rabindranath Tagore với tập Đom đóm (Fireflies) gồm những bài thơ xuôi rất ngắn mang tính tự sự hay Kawabata Yasunari với Tập truyện ngắn trong lòng bàn tay.
Tập truyện Lời tiên tri của giọt sương bao gồm những truyện vài câu ngắn, truyện một câu, truyện vài từ, thậm chí có truyện chỉ có một từ.
Nhà văn Nhật Chiêu cho biết: “Trước khi sáng tác truyện ngắn, tôi thường dịch thơ Tanka và Haiku của Nhật, những bài thơ một câu của Tagore... đó là cảm hứng đầu tiên. Sau đó là những truyện ngắn gọi là “flash fiction” đang phổ biến trên thế giới, đặc biệt là những tập truyện của Augusto Monterroso mà tôi may mắn có được. Có thể kể thêm Công án Thiền tông là một cảm hứng gần như thường xuyên trong sáng tác của tôi”.
Tuyển tập bao gồm 9 chùm truyện: truyện nhỏ, truyện lạ, truyện đêm, truyện hư, truyện mê, truyện ai, truyện chơi, chuyện thời.
“Có lẽ cả tập truyện thể hiện cuộc sống con người càng ngày càng xa lạ với thiên nhiên, với cái đẹp, những ngọn nguồn bí ẩn đã làm nên thế giới. “Cái xa lạ” là chủ đề của tập truyện. Người ta lần lượt đánh mất thiên nhiên, tình yêu, khí quyển, lâm vào nguy cơ đánh mất cả trái đất và đánh mất cả bản thân mình. Người ta không thể giao tiếp với nhau trong một sự hài hòa, thân ái và bao dung. “Cái xa lạ” ban đầu chỉ thấp thoáng đâu đó nhưng rồi nó có mặt khắp nơi, ngay giữa trái tim mỗi người” - nhà văn Nhật Chiêu chia sẻ.
Trong lời bạt, học giả Hoàng Lương, một học giả người Việt ở Đại học Harvard (Mỹ), đã nhận xét: Lời tiên tri của giọt sương hội tụ nhiều triết lý Đông - Tây, do vậy có thể đọc nó trên nền ngụ ngôn - triết học”. Vì vậy “không dễ dàng để hiểu” ngay trong lần đọc đầu tiên.
Bình luận (0)