Để được giải ngân số tiền vay tại 2 ngân hàng này, Sương chỉ đạo Đào (kế toán công ty), Phong, Thuận (công nhân), Hồ Thanh Bình (chồng của Sương), Hồ Tuấn Vũ (em chồng Sương) mở tài khoản cá nhân tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - Chi nhánh Cần Thơ, Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Cần Thơ, Ngân hàng Nam Việt…
Đồng thời, Sương còn lập các hợp đồng khống với nội dung Bình, Vũ, Thuận bán thủy hải sản cho Công ty An Khang để bổ sung thủ tục giải ngân tiền.
Ngoài ra, từ ngày 4-3 đến ngày 26-6-2011, bà Sương cùng với Lê Thanh Phong (nhân viên xuất nhập khẩu của công ty) làm làm 44 bộ chứng từ xuất khẩu giả để chiết khấu tại Ngân hàng Vietinbank- Chi nhánh Trà Nóc và với số tiền 128 tỉ đồng.
Do các bộ chứng từ chiết khẩu giả nên Vietinbank không thu được tiền, bà Sương tiếp tục làm các bộ chứng từ chiết khấu giả khác để nhận tiền và thanh toán cho các bộ chứng từ chiết khấu giả trước đó gần 31 tỉ đồng.
Như vậy, tổng số tiền mà bà Sương chiếm đoạt của Ngân hàng Vietinbank-Chi nhánh Trà Nóc gần 90 tỉ đồng.
Ngoài ra, bà Sương còn làm 3 bộ chứng từ chiết khấu giả với số tiền gần 5 tỉ đồng tại Ngân hàng TMCP An Bình-Chi nhánh Cần Thơ. Sau khi bị phát hiện, Sương đã trả lại Ngân hàng TMCP An Bình 1 tỉ đồng.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Cần Thơ cho biết vừa cách chức giám đốc và 2 phó giám đốc Viettinbank chi nhánh Trà Nóc (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) vì đã cho Công ty An Khang vay tiền dẫn đến dư nợ kéo dài. Ngoài việc bị kỷ luật, những cá nhân này phải có trách nhiệm thu hồi để trả lại đơn vị số tiền trên.
Nông dân, công nhân điêu đứng
Cụ thể, vào ngày 21-7-2011, sau khi đã quá thời hạn thanh toán số nợ hơn 26,5 tỉ đồng tiền mua cá của 23 hộ nông dân, ông Nguyễn Hồng Quân, Giám đốc Công ty TNHH An Khang, đã ký vào tờ thỏa thuận với những người bán cá. Theo đó, đồng ý giao trả cá thành phẩm cho các hộ với tổng giá trị hơn 29,4 tỉ đồng.
Tuy nhiên, khi các hộ nông dân vào tiếp quản kho hàng thì mới vỡ lẽ nó đã bị một số ngân hàng niêm phong kể từ ngày 26-6.
Khi các chủ nợ là nông dân và ngân hàng tìm cách liên lạc với giám đốc thì ông Quân tránh mặt và đổi luôn số điện thoại.
Nông dân Phan Văn Tâm (ngụ huyện Châu Phú - An Giang) rầu rĩ cho biết: để nuôi được số cá bán cho công ty An Khang hơn 4,7 tỉ đồng, ông Tâm đã phải vay ngân hàng và vay nóng ở bên ngoài hết 4,5 tỉ đồng.
Khi Công ty An Khang không thanh toán tiền mua cá, ông Tâm phải trả lãi 50 triệu đồng mỗi tháng. Mấy ngày trước, do không có tiền đóng lãi, chủ nợ của ông Tâm đã đến nhà bắt hết số cá đang thả nuôi của ông mang đi.
Quá đau buồn, vợ ông Tâm đã ngã bệnh phải nhập viện. Xòe đôi bàn tay đã hư hết móng do những tháng ngày cơ cực cho ao cá, ông Tâm chua xót nói: “Ông Quân ở biệt thự lớn, đi xe hơi đắt tiền không biết có thấu hiểu nỗi khổ của những nông dân như chúng tôi hay không mà lại hành xử bạc bẽo như vậy!”.
Được biết, hiện có đến 3 ngân hàng đang phong toả kho hàng của công ty vì cho rằng đây là tài sản đã thế chấp. Trong khi đó, hàng chục nông dân cũng có trong tay tờ thỏa thuận bàn giao kho hàng của giám đốc. Họ đã ăn ngủ ở đây hơn 1 tuần và thay phiên nhau canh giữ, không rời mắt khỏi kho hàng một phút vì ai cũng sợ lỡ mất cơ hội thu hồi nợ.
Không chỉ nợ bên ngoài, Công ty An Khang đã nhiều tháng không trả lương, đẩy hàng trăm công nhân vào cảnh khốn đốn.
Được biết, hiện nay công nhân của công ty này đang tạm thời nghỉ làm việc do công ty ngưng sản xuất và nợ tiền lương mà công ty này chưa thanh toán cho 300 công nhân là trên 1 tỉ đồng.
Bình luận (0)