Là con đầu trong một gia đình nông dân có 3 chị em ở xã Phú Ngọc, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Học xong lớp 9, chị Nguyễn Thị Thắm (26 tuổi) theo bạn bè lên TPHCM làm công nhân may. Một thời gian sau, chị Thắm quen một người đàn ông lớn tuổi hơn làm cùng công ty nhưng khi Thắm có thai, người này “bặt vô âm tín”.
Sau khi một mình vượt cạn, Thắm gửi con lại cho cha mẹ trông giữ, tiếp tục lên TPHCM bươn chải, kiếm từng đồng lương ít ỏi gửi về nuôi gia đình.
Sau ngày định mệnh dưới bánh xe tải, chị Thắm giờ đây rơi vào hoàn cảnh sống dở chết dở. Ảnh: XUÂN HOÀNG
Tôi mong được sống!
Trong một lần lên xuống TPHCM như thế, tai họa đã giáng xuống chị. Ngày 5-9-2010, sau những ngày nghỉ lễ, Thắm một mình bươn bả lên TP để đi làm. Ngã tư Vũng Tàu chật như nêm, các loại xe cộ chen kín đường, người nào cũng mong trở về nhà sớm. Một người đàn ông đi xe máy không làm chủ tốc độ, chen vào bên phải khiến tay lái chị loạng choạng. Chị ngã ra giữa lòng đường vừa lúc một chiếc xe tải chạy qua…
Nhận được hung tin, người nhà chị lao vào Bệnh viện Đồng Nai. Họ như khuỵu xuống khi chứng kiến thân hình dập nát của chị. Sau đó, chị Thắm được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM). Được bệnh viện cứu sống, nhưng từ một phụ nữ phơi phới sắc xuân, là trụ cột của gia đình, Thắm trở thành tàn phế.
Tài xế xe tải đến thăm gia đình chị vài lần, bồi thường cho chị 130 triệu đồng, rồi thôi. Người đàn ông đi xe máy vài lần đến tạ lỗi, sau đó cũng quên đi giữa dòng đời lo toan cơm áo.
Hơn một năm nay, trên chiếc giường ọp ẹp trong căn nhà nát, chị nằm bất động. Bà Nguyễn Thị Minh Thành, mẹ Thắm, cho hay chị ăn được một bữa khoảng nửa chén cháo hoặc vài thìa cơm.
“Cứ vào ra nhìn thấy con là ứa nước mắt. Dù nghèo đói nhưng em nó muốn ăn cái gì là lập tức tôi đi mua, nhưng nó ăn nhiều lắm cũng chỉ một, hai muỗng mà thôi”- bà Thành nói như khóc.
“Tôi chỉ mong được sống”- chị Thắm tha thiết nói. Đã nhiều ngày tháng trôi qua, hơn ai hết chị hiểu nỗi khát khao được bước đi, được làm việc đã trở nên vô vọng, nhất là với hoàn cảnh hiện tại của gia đình. Từ ngày con gặp nạn, cha mẹ Thắm đã bán đi một nửa miếng đất đang ở, cả nhà 4-5 người đành chen chúc trong diện tích khoảng vài chục mét vuông.
“Chỉ mong có bệnh viện nào sẵn lòng cứu giúp cho Thắm để nó được ngồi xe lăn, được nhìn mặt trời…”- bà Thành ao ước. Nhưng với Thắm, ước mong được sống còn vì đứa con trai bé bỏng, dù chỉ mới 3 tuổi nhưng vẫn ngày đêm quanh quẩn bên giường bệnh, chăm sóc cho mẹ. “Nhiều lần định tìm đến cái chết, nhưng rồi nhìn con, tôi nhắc nhở mình phải sống tiếp”- chị Thắm nghẹn ngào.
Nỗi ám ảnh triền miên
Đêm 12-12-2010, Nguyễn Khương Duy (SN 1995, con trai ông Nguyễn Văn Kiển, Bí thư xã Tân Thành, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) rú ga phóng xe bạt mạng trên con lộ Bùi Mới và đâm thẳng vào bà Nguyễn Thị Năm (80 tuổi, ngụ cùng địa phương). Nghe tiếng cày rất lớn xuống lộ và tiếng máy xe vụt tắt, người dân gần đó chạy ra xem thì thấy chiếc xe gắn máy nằm lăn lóc bên lề đường.
Duy và một “quái xế” khác nằm bất tỉnh; cách đó không xa, bà Năm nằm hôn mê bất động. Bà Năm được đưa đi cấp cứu với nhiều vết thương rất nặng: mặt và trán bị phù nề, biến dạng; trên đỉnh đầu là 3 vết thương hở, mỗi vết dài gần 10 cm; tay phải và tay trái bị gãy phải nẹp gỗ, hai chân gãy biến dạng được nẹp Zimmer, gan, phổi bị dập, tràn dịch màng phổi, xương chậu, xương sườn đều bị gãy.
Các con bà Năm đang chăm sóc cho bà. Ảnh: MINH SƠN
Nhiều người khuyên các con đưa bà cụ về nhà bởi tiên lượng rất xấu. Bỏ hết công ăn việc làm, 9 người con của bà thay phiên nhau túc trực bên giường mẹ. Gần một tháng rưỡi nằm điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy, bà Năm dần hồi tỉnh. Tiếp sau đó bà Năm phải chịu nhiều lần phẫu thuật. Số tiền điều trị lên đến gần 200 triệu đồng, các con phải bán đất đai để có tiền lo cho mẹ.
Trong khi đó, gia đình ông Nguyễn Văn Kiển không một lần tới thăm hỏi bà Năm. Do công an huyện kết luận chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Duy, gia đình bà Năm đã kiện ông Kiển ra tòa đòi bồi thường thiệt hại (vì Duy chưa thành niên).
Tại phiên tòa mới đây, ông Kiển bị buộc bồi thường 137 triệu đồng chi phí điều trị cho nạn nhân… Dù phiên tòa đã khép lại nhưng đối với bà Năm và gia đình bà, đó là nỗi ám ảnh triền miên, không thể nào quên.
Kỳ tới: Tán gia bại sản
Tan nát một gia đình
Xóm nhỏ ven đường số 56, ấp Phước Hưng, xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi-TPHCM không ai lạ gì gia đình anh Cao Minh Dương (SN 1971). Người ta chú ý đến anh khi thỉnh thoảng đang bán vé số trên đường, anh lên cơn co giật, sùi bọt mép rồi té xuống đất. Đó là di chứng sau một lần bị tai nạn giao thông đang hành hạ anh Dương.
Hạnh phúc đong đầy sau khi vợ anh Dương sinh được một bé trai. Ngày nào trong ngôi nhà nhỏ cũng vang lên tiếng cười giòn của con trẻ, thấp thoáng trong đó, đôi vợ chồng cùng nhau thổi bếp cho bữa cơm chiều.
Mọi sự đổi thay diễn ra vào một ngày giữa tháng 9-2009. “Trên đường đi làm về trên Quốc lộ 22, gần đến UBND xã Phước Thạnh, toàn thân tôi đau nhói, bị hất bổng và văng ra giữa đường, đầu đập mạnh vào con lươn. Tỉnh dậy mới biết mình bị người ta tông trúng rồi bỏ chạy luôn. Tôi bị chấn thương sọ não, phải đem một phần sọ đi “hấp”.
Hơn 6 tháng, bước được xuống giường, tôi giật mình khi biết nửa người yếu đi, không thể đi đứng như trước. Tôi nhấc từng bước và bắt đầu tập đi. Sau 3 tháng, bước chân đã cứng cáp hơn thì lại thêm chứng co giật, đau đầu. Vợ tôi lẳng lặng bỏ đi, để lại đứa con nhỏ. Gia đình tan nát, tôi khóc nhiều, như thằng điên mất phương hướng. Nhiều lần tôi định tự tử nhưng không đành…!” - anh Dương kể lại.
T.Hồng |
Bình luận (0)