Nội các Hy Lạp hôm 2-11 đã ủng hộ đề xuất của Thủ tướng George Papandreou tổ chức trưng cầu ý dân về thỏa thuận cứu trợ mới của Liên hiệp châu Âu dành cho nước này sau cuộc họp kéo dài 7 giờ.
Phát biểu sau cuộc họp, người phát ngôn Chính phủ Hy Lạp Ilias Mossialos cho biết cuộc trưng cầu ý dân sẽ được tiến hành càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, một số quan chức Hy Lạp cho biết nó nhiều khả năng diễn ra vào giữa tháng 1-2012.
Trước mắt, để thúc đẩy kế hoạch nói trên, chính phủ của ông Papandreou cần phải vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm dự kiến diễn ra ở quốc hội vào ngày 4-11. Một số nghị sĩ của đảng cầm quyền đã kêu gọi ông Papandreou từ chức do quyết định nói trên đe dọa đến tư cách thành viên khu vực đồng euro của nước này.
Trong khi đó, bản thân ông Papandreou đã được Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel mời đến dự các cuộc hội đàm khẩn cấp về vấn đề thực thi thỏa thuận về gói cứu trợ 130 tỉ euro tại Cannes (Pháp) trong ngày 2-11.
Thị trường chứng khoán châu Á sụt giảm trong ngày thứ 3 liên tiếp hôm 2-11 giữa lúc có
những lo ngại Hy Lạp có thể bác bỏ thỏa thuận cứu trợ mới của Liên hiệp châu Âu. Ảnh: AP
Cho dù kết quả của cuộc trưng cầu ý dân có như thế nào thì canh bạc của ông Papandreou chắc chắn sẽ gây ra nhiều tuần lễ bất ổn trong khu vực đồng euro nói riêng và thế giới nói chung. Cả châu Âu đã bị sốc trong lúc thị trường chứng khoán thế giới sụt giảm trước đề xuất của ông Papandreou.
Các nhà lãnh đạo và giới phân tích đều cho rằng việc cử tri nói “không” với thỏa thuận cứu trợ nói trên sẽ đẩy Hy Lạp đối mặt với nguy cơ phá sản, thậm chí đe dọa đến sự tồn tại của nước này trong khu vực đồng euro.
Athens dự kiến hết tiền trả lương và lương hưu vào giữa tháng 11, đồng thời phải trả tiền cho người giữ trái phiếu của họ trong tháng 12.
Việc không thể trả được những khoản tiền này có thể khiến Hy Lạp vỡ nợ, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho thị trường chứng khoán và trái phiếu. Khi đó, theo hãng tin AP, các thị trường sẽ sụt giảm trong lúc các ngân hàng châu Âu chịu nhiều tổn thất, khiến cho việc vay mượn trở nên khó khăn hơn đối với doanh nghiệp và làm tổn thương các nền kinh tế.
Ngoài ra, chi phí vay mượn cũng gia tăng đối với các chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình ở các nước châu Âu khác do những nỗi lo rằng họ cũng có nguy cơ bị vỡ nợ, khiến tình hình tài chính của họ thêm tồi tệ.
Đây chắc chắn không phải là những kịch bản mà thế giới mong muốn. Vì thế, Nhà Trắng hôm 1-11 thúc giục châu Âu cần nhanh chóng để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ hiện nay.
Bình luận (0)