Ngày 8-11, trước khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) công bố báo cáo về chương trình hạt nhân của Iran, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak bác bỏ thông tin Israel có ý định đánh phủ đầu Iran cũng như Tel Aviv chưa quyết định triển khai bất cứ chiến dịch quân sự nào.
Ông Barak ước lượng 500 người Israel sẽ thiệt mạng do tên lửa Iran. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, sau khi bản báo cáo này được công khai, ông Barak lại tiếp tục gây lo ngại về một viễn cảnh can thiệp quân sự khi ám chỉ sự chia rẽ của cộng đồng quốc tế trong việc áp đặt lệnh trừng phạt lên Iran khiến Israel không còn lựa chọn nào khác ngoài khả năng “tự giải quyết vấn đề”.
Ông Barak thừa nhận cái giá phải trả cho việc không kích Iran không hề thấp. Một khi bị tấn công, Iran chắc chắn sẽ trả đũa bằng cách bắn tên lửa tầm xa vào các thành phố của Israel cũng như kêu gọi các tổ chức Hồi giáo đồng minh Hezbollah và Hamas bắn rocket vào phía nam Israel.
Thế nhưng, Bộ trưởng Quốc phòng Israel cho rằng các cảnh báo về thiệt hại của Israel đã bị thổi phồng và rằng nước này vẫn có thể “sống sót”. “Không thể ngăn chặn được thiệt hại, nhưng sẽ không có chuyện 50.000 người hay 5.000 người chết. Nếu mọi người ở trong nhà, số người thiệt mạng có thể chưa đến 500 người” - ông Barak nói.
Iran sẽ đáp trả bằng cách bắn tên lửa tầm xa vào Israel. Ảnh: Tên lửa Shahab 3 của Iran (Reuters)
Theo ông Barak, báo cáo của IAEA là “cơ hội cuối cùng” để Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc gia tăng trừng phạt đối với Iran. Đồng thời, ông cũng kêu gọi khóa chặt các cửa ngõ đường biển của Iran để ngăn nước này khai thác dầu.
Nghị quyết của Hội đồng Bảo an, theo dự đoán của ông Barak, có thể vấp phải sự phản đối của Nga và Trung Quốc. Khi đó, hành động quân sự là phương án cuối cùng của Israel.
Những phát biểu trên của ông Barak là diễn biến mới nhất sau một tuần nóng bỏng xoay quanh số phận của Iran. Theo giới chuyên gia, Israel không ngừng tuyên bố mạnh mẽ thật ra là nhằm thúc ép Hội đồng Bảo an sử dụng những biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất đối với Iran chứ không thật sự muốn phát động chiến tranh.
Đến thời điểm này, Nga và một số nước châu Âu đã lên tiếng chống lại giải pháp quân sự. Ngay cả Mỹ cũng không muốn mạo hiểm cùng đồng minh thân cận Israel khi tuyên bố nên tiếp tục theo đuổi con đường ngoại giao để thuyết phục Iran từ bỏ chương trình hạt nhân.
Bình luận (0)