xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đòi lại chủ quyền Hoàng Sa bằng đàm phán

PHẠM DƯƠNG

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh trước Quốc hội: Sẽ đòi chủ quyền Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình cũng như khẳng định chủ quyền tại Trường Sa

Sáng 25-11, “chốt” lại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội (QH) khóa XIII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã báo cáo bổ sung làm rõ thêm một số vấn đề nhằm điều hành thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch năm 2011 - 2012 và một số năm tiếp theo, một số vấn đề lớn trong vấn đề tổ chức thực hiện Nghị quyết kinh tế - xã hội 5 năm.

Khẳng định chủ quyền quốc gia

Đăng đàn chất vấn đầu tiên, đại biểu (ĐB) Lê Bộ Lĩnh (An Giang) đặt câu hỏi mà theo ông chưa thấy đề cập trong báo cáo của Thủ tướng, liên quan đến vấn đề đối ngoại và bảo đảm  chủ quyền, an ninh quốc gia, đó là  những giải pháp cụ thể để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Cùng mối quan tâm, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng (ĐB Đồng Nai) chất vấn: “Chính phủ đã có những giải pháp gì để ngư dân yên tâm đánh bắt cá ở biển Đông, nhất là ngư trường truyền thống của cha ông ở Hoàng Sa và Trường Sa?”.
img
Đảo Chìm Đá Đông thuộc quần đảo Trường Sa vững vàng trước sóng gió khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại biển Đông _Ảnh: Hồng Kỳ

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành phần lớn thời gian để trả lời các chất vấn này. Sau khi nêu các nguyên tắc giải quyết các vấn đề trên biển Đông, Thủ tướng cho biết việc giải quyết và khẳng định chủ quyền trên biển Đông có 4 vấn đề.

Thứ nhất, đàm phán phân định ranh giới vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ. Thủ tướng cho biết ngoài thỏa thuận phân định ranh giới trong vịnh Bắc Bộ đạt được năm 2000, Việt Nam và Trung Quốc còn vấn đề chồng lấn thềm lục địa ngoài vịnh Bắc Bộ theo Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc. Hai bên đã đàm phán từ năm 2006 nhưng đến năm 2009 thì dừng lại vì lập trường hai bên còn rất khác xa nhau. Đến đầu năm 2010, hai bên thỏa thuận là nên tiến hành đàm phán những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển. “Việt Nam và Trung Quốc cùng nhau đàm phán để phân định ranh giới vùng biển này trên cơ sở Công ước Luật Biển năm 1982, cơ sở Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), trên cơ sở các nguyên tắc đã thỏa thuận” - Thủ tướng cho biết.

Thứ hai, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam có đủ căn cứ về pháp lý và lịch sử để khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam đã làm chủ thực sự ít nhất là từ thế kỷ XVII. “Chúng ta làm chủ khi 2 quần đảo này chưa thuộc bất kỳ quốc gia nào và đã làm chủ trên thực tế và liên tục hòa bình” - Thủ tướng nêu rõ. Tuy nhiên, năm 1956, Trung Quốc đưa quân chiếm đóng các đảo phía Đông của quần đảo Trường Sa. Đến năm 1974, cũng Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự quản lý hiện tại của chính quyền Sài Gòn, tức là chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã lên tiếng phản đối, lên án việc làm này và đề nghị Liên Hiệp Quốc can thiệp. Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam của chúng ta lúc đó cũng đã ra tuyên bố phản đối hành vi chiếm đóng này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu rõ Việt Nam chủ trương đàm phán giải quyết đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình.

Bảo đảm an ninh, tự do hàng hải

Thứ ba, về quần đảo Trường Sa. Thủ tướng cho biết thực hiện chủ quyền của mình, Việt Nam đang quản lý 21 đảo, với 33 điểm đóng quân. Ngoài ra còn xây dựng thêm 15 nhà giàn ở khu vực bãi Tư Chính để khẳng định chủ quyền ở vùng biển trong phạm vi 200 hải lý thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của mình. Như vậy trên quần đảo Trường Sa, Việt Nam là quốc gia có số đảo đang đóng giữ nhiều nhất so với các quốc gia và các bên có đòi hỏi chủ quyền ở quần đảo này. “Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất có cư dân đang làm ăn sinh sống trên một số đảo mà chúng ta đang đóng giữ với 21 hộ, 80 nhân khẩu, trong đó có 6 nhân khẩu cũng đã sinh ra, lớn lên ở các đảo này” - Thủ tướng thông báo.
img
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việt Nam chủ trương đàm phán giải quyết đòi lại chủ quyền đối với Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình. Ảnh: TTXVN

Chủ trương giải quyết tranh chấp tại khu vực này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ trước hết, Việt Nam yêu cầu các bên giữ nguyên trạng, không làm phức tạp thêm tình hình có ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở khu vực này. Việt Nam tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng kinh tế-xã hội và cơ sở vật chất, kỹ thuật ở những nơi đang đóng giữ. Sơ kết đánh giá lại cơ chế chính sách hỗ trợ đồng bào khai thác thủy, hải sản, vận tải biển trong khu vực này. Việt Nam nghiêm túc thực hiện và yêu cầu các bên liên quan nghiêm túc thực hiện theo đúng Công ước Luật Biển năm 1982 và DOC là phải bảo đảm tự do hàng hải ở biển Đông, bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, trật tự, tự do hàng hải ở biển Đông.

Thứ tư, Thủ tướng nhấn mạnh là trong khi giải quyết và khẳng định chủ quyền trên biển Đông, phải giải quyết và khẳng định chủ quyền của Việt Nam trong phạm vi 200 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước Luật Biển năm 1982.

Cần có Luật Biểu tình

Trả lời chất vấn “về những căn cứ mà Chính phủ đề nghị QH xem xét đưa vào chương trình xây dựng pháp luật có Luật Biểu tình” của ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định ngay rằng điều 69 của Hiến pháp quy định công dân được quyền biểu tình theo pháp luật. “Nhưng vì chưa có Luật Biểu tình nên chúng ta nên bắt tay nghiên cứu Luật Biểu tình” - ông nói. Căn cứ thứ hai, theo Thủ tướng, là từ thực tế cuộc sống hiện nay khi có nhiều cuộc tụ tập đông người, biểu tình của đồng bào để bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị với chính quyền nhưng chưa có luật để điều chỉnh vấn đề này.

Trước thực trạng như trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38 để quản lý điều chỉnh việc này. Nhưng nghị định của Chính phủ hiệu lực pháp luật thấp và cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế cuộc sống. “Luật này phù hợp với Hiến pháp, đặc điểm lịch sử văn hóa, điều kiện cụ thể của Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm quyền tự do dân chủ của người dân theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời luật đó cũng có yêu cầu là ngăn chặn những việc làm, những hành vi gây xâm hại đến an ninh trật tự, đến lợi ích của xã hội và nhân dân” - Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng cũng cho biết chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước và Chính phủ là luôn luôn trân trọng, biểu dương, khen thưởng xứng đáng đối với tất cả các hoạt động, đối với tất cả những việc làm của mọi người dân thật sự vì mục tiêu yêu nước, thật sự vì mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, không hoan nghênh và buộc xử lý nghiêm theo pháp luật đối với những hoạt động, hành vi với động cơ lợi dụng danh nghĩa lòng yêu nước, bảo vệ chủ quyền để thực hiện mục tiêu, mục đích gây phương hại cho đất nước, cho xã hội.

Đưa lạm phát năm 2012 xuống còn một con số

Trước khi trả lời chất vấn trực tiếp của các ĐB, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã báo cáo với QH xung quanh 6 nhóm vấn đề được các ĐB quan tâm.

Về tình hình kinh tế-xã hội, Thủ tướng cho biết nước ta có thể kết thúc năm 2011 với những tín hiệu tích cực như: Chỉ số giá cả đã tăng chậm lại trong tháng 10  và 11; xuất khẩu tăng 34,7%, gấp 3 lần chỉ tiêu; lãi suất đã giảm, dự trữ ngoại hối tăng...

Về các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng cho biết khả năng kiểm soát lạm phát năm 2011 khoảng 18% là khả thi với việc tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt. Bên cạnh đó sẽ có giải pháp phục hồi, lành mạnh hóa thị trường chứng khoán, bất động sản…

Đối với thị trường vàng - vấn đề nóng - trong chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng khẳng định sẽ quản lý chặt chẽ, phấn đấu không để giá vàng trong nước chênh lệch quá lớn so với giá thế giới. Việc quản lý sẽ được thực hiện theo hướng bảo vệ quyền sở hữu vàng của người dân nhưng không để vàng trở thành phương tiện thanh toán phổ biến.

Trong năm 2012, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, bảo đảm bội chi ngân sách xuống dưới 4,8% GDP, giữ tỉ lệ nợ công ở mức an toàn, cải thiện cán cân thanh toán...

Đối với giá điện, xăng dầu, than và các hàng hóa, dịch vụ quan trọng khác, Thủ tướng đề nghị QH ủng hộ chủ trương kiên định thực hiện cơ chế giá thị trường, có hỗ trợ phù hợp đối với các đối tượng chính sách.

Khẳng định tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, Thủ tướng cho biết phấn đấu đưa chỉ số giá xuống còn một con số, tạo điều kiện giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, Chính phủ sẽ kiến nghị với QH kéo dài thời gian hỗ trợ thuế và các ưu đãi phù hợp khác để doanh nghiệp có cơ hội phục hồi và phát triển nhanh. 
H. Thành
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo