Gần 1 tiếng sau lực lượng cứu hộ mới chạy tàu ra kiểm tra, họ chạy ra vòng đầu không thấy, rồi quay vào lại. Thấy vậy, tôi hô to lên thì họ tiếp tục chạy ra một vòng nữa, rồi cũng cho tàu quay vào.
Đến lần thứ 3, nghe người dân hô to quá nên họ mới chính thức quay ra, lúc này đã muộn rồi. Nhờ một số tàu thuyền, thúng chai dùng dây thừng ứng cứu kịp thời nếu không thì con số chết và mất tích tăng lên rất nhiều.
Người được người dân cứu thoát chết, ông Huỳnh Tấn Lộc (SN 1964, trú xã Tân Hiệp, đảo Cù lao Chàm, Hội An), kể lại: Vào trưa ngày 25-12, tôi xin đi nhờ tàu QNa 0063 của Tiểu đoàn 70 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam để vào đất liền, khi tàu vào gần đến bờ thì bị gãy bánh lái, sau đó chìm hẳn trong chốc lát, nhiều người dân bị sóng đánh hất văng ra xa, chới với trong dòng nước chảy xiết, ai bám được vật gì thì sống sót.
Anh Huỳnh Mẫn (SN 1983, trú Cửa Đại, Hội An), người cứu ông Lộc cho biết, lúc đó, anh cùng các ngư dân khác thấy rất nhiều người dân chới với trong nước, quanh cách thùng phuy rất nhiều người bám vào nhưng bị sóng đánh ra ngoài xa chứ không đưa được vào bờ.
Thấy vậy, anh Mẫn nhào ra ngay, còn 3 thanh niên khác trong bờ vứt dây thừng ra để anh đưa họ vào, lúc vào gần tới bờ thì họ đã ngất xỉu vì uống quá nhiều nước biển, kèm theo đuối sức do chọi với sóng to và lạnh.
Anh Mẫn kể: "Tôi chú ý nhất là ông Lộc, vì mỗi lần sóng cuốn lên thì ông Lộc bị rời khỏi thùng phuy, nhưng được các bạn họ kéo lại rất nhanh, chứ không thì khó thoát khỏi được dòng sóng dữ.
Lúc đó, sóng to và rất lạnh nhưng tôi chỉ biết nhào ra cứu người thôi chứ không sợ chết gì hết”. Anh Mẫn vừa nói xong thì ông Lộc choàng ôm anh vào lòng như muốn tạ ơn cứu mạng.
Trong lúc nhiều người dân nghe những “người hùng” kể lại chuyện ứng cứu các chiến sĩ và người dân trong vụ chìm tàu thì phía ngoài bờ biển, những bàn “thờ gió” đã được người nhà nạn nhân lập lên để cầu mong sớm tìm được thi thể 5 nạn nhân.
Ông Thu yêu cầu ngay trong ngày hôm nay phải trục vớt chiếc tàu bị chìm vào bờ kiểm tra nguyên nhân.
Khi phóng viên đề cập công tác ứng cứu chậm của lực lượng bộ đội biên phòng khi xảy ra tai nạn, dù đã được người dân điện rất nhiều lần, thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn, Phó Tư lệnh quân khu V, cho biết do nước lớn, sóng mạnh khó tiếp cận được con tàu bị tai nạn chứ không phải làm chậm. “Nước xa, không thể cứu được lửa gần”, thiếu tướng Nhơn nói.
Phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi, vì sao tàu quân sự mà thiếu dụng cụ cứu sinh như áo phao, đèn báo hiệu, pháo bắn khi có xảy ra tai nạn?
“Trên tàu lúc đó có áo phao nhưng có nghe nói cất trong thùng để trong cabin nên không có ai mặc, còn việc đèn, pháo bắn khi xảy ra tai nạn, chúng tôi sẽ xem lại. Qua một lần như vậy, chúng tôi đã rút ra được thêm bài học kinh nghiệm”.
Thiếu tướng Nhơn còn nhấn mạnh, chiếc tàu bị nạn đang trên đường đưa các chiến sĩ đi làm nhiệm vụ, nên có thể vượt sóng to, gió lớn.
Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, chiều nay, 26-12, Trung tướng Đào Duy Minh - Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị Bộ Quốc phòng, sẽ vào nơi xảy ra sự việc, xem xét và công nhận liệt sĩ cho các chiến sĩ hy sinh.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ mỗi gia đình nạn nhân có người chết 5 triệu đồng, bị thương 1 triệu. Ngoài ra, UBND tỉnh lo toàn bộ chi phí xăng dầu cho 20 chiếc thuyền của ngư dân đang tiến hành tìm kiếm, Quân khu V hỗ trợ 10 triệu đồng cho người chết, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam lo toàn bộ chi phí mai táng cho các nạn nhân.
Phạm vi tìm kiếm cũng được mở rộng ở các vùng biển Đà Nẵng, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đến vùng biển tỉnh Quảng Ngãi.
Ngoài lực lượng tại chỗ của đồn biên phòng, tàu thuyền của ngư dân còn có tàu cứu nạn SAR 274 Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2, trực thăng của Sư đoàn Không quân 372 (Quân khu V) tham gia tìm kiếm.
Bình luận (0)