Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc – Liên đoàn Ả Rập về vấn đề Syria, ông Kofi Annan, đã rời Syria hôm 11-3 mà không bảo đảm được một thỏa thuận nào nhằm chấm dứt tình trạng đổ máu ở nước này.
Không dễ đạt thỏa thuận
Người dân chạy trốn một cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ
và lực lượng nổi dậy ở Idlib (Syria) hôm 10-3. Ảnh: AP
Trước thềm cuộc gặp của ngoại trưởng các nước thành viên chủ chốt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong ngày 12-3, các nhà ngoại giao đã tỏ ra bi quan về triển vọng của sứ mệnh hòa bình của ông Annan ở Syria. Một phái viên cao cấp giấu tên của một nước thành viên Hội đồng Bảo an cho biết: “Cuộc gặp của ông Kofi Annan dường như không đi đến đâu. Ông Assad vẫn không chịu nhượng bộ trong lúc bất đồng giữa Nga và các nước phương Tây về vấn đề Syria đang tăng”.
Bốn thách thức lớn
Trong bối cảnh những nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng Syria bằng con đường ngoại giao gặp bế tắc, Mỹ đã bắt đầu có những cuộc thảo luận nghiêm túc với các đồng minh về khả năng can thiệp quân sự vào Syria dù quan điểm chính thức của Washington cho đến giờ vẫn là bác bỏ bước đi này.
Báo The Washington Post (Mỹ) ra ngày 11-3 cho biết trong số những biện pháp can thiệp đang được bàn thảo đến có việc vũ trang trực tiếp cho lực lượng chống đối, gửi quân đến bảo vệ một hành lang nhân đạo hoặc “vùng an toàn” cho quân nổi dậy hoặc tấn công hệ thống phòng không của Syria. Dù vậy, các nước vẫn còn chia rẽ sâu sắc về quy mô của một sự can thiệp quân sự, cách thức và thời điểm nó diễn ra và ai sẽ tham gia hành động này.
Các quan chức Mỹ cho biết chiến lược của Mỹ hiện vẫn tập trung vào viện trợ nhân đạo và giúp đỡ phe đối lập ở Syria. Tuy nhiên, Mỹ cũng hiểu rằng cuộc xung đột ở Syria khó có thể được giải quyết theo con đường hòa bình và một cuộc nội chiến ở nước này, nếu xảy ra, có thể ảnh hưởng đến khu vực.
Bên cạnh đó, các quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc đã đẩy mạnh cảnh báo về những nguy cơ của một hành động can thiệp quân sự vào Syria. Theo báo The New York Times (Mỹ), các quan chức này đã chỉ ra 4 thách thức lớn của hành động nói trên: Những rủi ro của việc tấn công các hệ thống phòng không tinh vi do Nga chế tạo và được đặt gần các trung tâm dân số lớn; việc trang bị vũ khí cho một phe đối lập còn manh mún; nguy cơ xảy ra một cuộc đối đầu với Iran hoặc Nga, 2 đồng minh chủ chốt của Syria; việc thiếu một liên minh quốc tế sẵn sàng hành động chống lại chế độ của ông Assad, ít nhất là vào thời điểm này.
Bình luận (0)