Hiện thực nên công bằng, trong thời gian qua không chỉ có những vụ án vợ giết chồng, cũng có nhiều vụ án chồng giết vợ một cách dã man, vô nhân tính. Nhưng khi người phụ nữ vốn yếu đuối, như bà Trần Thúy Liễu chẳng hạn, “cắt một con gà cũng không dám”, sao lại có thể nhẫn tâm đốt chồng - nhà báo Hoàng Hùng, một người chồng hiền lành đến vậy, thì chuyện người phụ nữ giết chồng là chuyện xưa nay dễ có mấy ai…
Bà Trần Thúy Liễu, vợ nhà báo Hoàng Hùng, trong đám tang của chồng
Và cũng nên hiện thực, chuyện vợ giết chồng không chỉ xảy ra ở nước ta. Mới đây thôi ngày 1-1-2012 vợ của tỉnh trưởng Rio Negro (Argentina) tự tay sát hại chồng, bắn một viên đạn vào đầu chồng, ông Carlos Roria (61 tuổi), một chính khách, từng là giám đốc cơ quan tình báo Argentina, đồng minh của nữ tổng thống Cristina Kircher. Vụ án làm chấn động dư luận Argentina.
Một vụ vợ giết chồng khác kinh hãi hơn xảy ra ở TP Guwahati, bang Assam, Ấn Độ. Người vợ tên Minoti Rabha, 37 tuổi, giết chồng mình sau một trận cãi vã. Kinh hãi, khủng khiếp hơn, sau khi giết chồng, bà Rabha còn uống cả máu chồng trước khi phóng hỏa đốt thi thể nạn nhân!
Trở lại vụ án bà Trần Thúy Liễu đốt nhà báo Hoàng Hùng và bà Dư Kim Liên giết chồng là trung tá Trần Luân Chuyên. Hai kỳ án này làm chấn động dư luận không chỉ vì tính chất dã man của nó mà còn là hai vụ án điển hình làm lung lay những giá trị đạo đức, tình nghĩa vợ chồng mà con người đã xây dựng từ khi Chúa cho Adam và Eva biết thế nào là “trái cấm”, biết thành vợ thành chồng, để yêu thương nhau, dìu nhau đi đến hết cuộc đời, sinh con đẻ cái, giữ gìn giống nòi. Có một công thức “tính” nghĩa vợ chồng, đo tình nghĩa vợ chồng và chỉ có công thức sau đây là đúng tuyệt đối: CHỒNG + VỢ = 1 có nghĩa là vợ chồng là nhất thể, không thể chia cắt.
Nhưng với vợ chồng nhà báo Hoàng Hùng, trung tá Trần Luân Chuyên không phải vậy. Hai vụ án này có những điểm giống nhau - những điểm trùng hợp để dẫn đến hai đại bi kịch mà ngay cả những nhà viết bi kịch vĩ đại nhất thời cổ đại Hy Lạp như Eschyle, Sophocle cũng không thể tìm một chi tiết nào dù nhỏ nhất đạt trình độ cảm xúc để thấy thương, thấy sợ hãi, để con người từ đó biết kiềm chế dục vọng, “thanh lọc” những ô trọc của cuộc sống. Đó là sự giống nhau ở nguyên nhân dẫn tới hai vở đại bị kịch bà Trần Thúy Liễu và bà Dư Kim Liên cùng lao vào con đường cờ bạc.
Với bà Liễu là những chuyến sang Campuhia đánh bạc cùng một người đàn ông tên Nguyễn Văn Tâm và họ cùng thua bạc. Cuối cùng cái gì đến phải đến khi họ là nhân tình của nhau. Thậm chí khi đã tự thú tội đốt chồng, bà Liễu vẫn một mực khai rằng chỉ có một mình bà thực hiện tội ác. Cho đến ngày gần ra tòa, bà mới biết rằng chính nhân tình của bà, ông Nguyễn Văn Tâm, kiện bà đòi “món nợ” 150 triệu đồng, mà theo bà Liễu là số tiền cả hai cùng thua bài ở Campuchia! Cay đắng thay, sao mà nhân tình bạc như vôi vậy!
Với bà Dư Kim Liên cũng là cờ bạc và chơi số đề, thua đến vỡ nợ. Và cũng giống bi kịch của bà Liễu, bà Liên đòi bán nhà để trả nợ nhưng chồng không chịu và bà ra tay tàn độc. Rất tàn độc, mức độ tàn độc có thể hơn bà Liễu, như bà dám tự tay chích thuốc độc cho chồng sau khi đã cho uống sữa có thuốc ngủ (hay thuốc trừ sâu). Khi đó ông Chuyên quằn quại trong đau đớn tột cùng mà bà Liên vẫn can đảm thực hiện hành vi tiêm chích thuốc độc, quả là một sát thủ máu lạnh, còn lạnh lùng hơn cả hành vi các “đao phủ” vì công việc phải thi hành án cho phạm nhân tử hình bằng cách tiêm thuốc độc.
Cờ bạc, tất nhiên là dính líu đến những đồng tiền đỏ đen. Và tiền thì luôn luôn có ma lực, ma lực khủng khiếp, nó có thể đẫn đến bất cứ điều gì, đến tội ác nào. Tiền cũng dẫn đến tình - những cuộc tình tội lỗi và dơ bẩn. Tiền và tình là hai thứ có sức mạnh chết chóc như nhau. Đó có thể là nguyên nhân lý giải vì sao hai người phụ nữ này giết chồng một cách dã man đến vậy. Nó cũng chẳng phải là mặt trái của nền kinh tế thị trường, vì từ trước đến nay tiền và tình luôn có sức mạnh hủy diệt như vậy nếu con người không biết làm chủ được mình.
Có một điểm tương đồng nữa là những vụ giết người như vậy khó qua mặt được cơ quan điều tra. Trong điểm này, bà Liễu có sức chịu đựng tội ác kinh hoàng hơn khi đến một tháng sau khi sát hại chồng bà mới chịu không nổi gánh nặng tội ác, phải tự thú tội. Bà còn can đảm “khóc” chồng (hay khóc cho chính mình); còn dám đưa chồng đến nơi an nghỉ cuối cùng, trong cái nhìn khinh miệt của các đồng nghiệp, người thân của chồng vì họ biết chắc rằng chính bà Liễu đã giết chồng. Bà Liên thì vụng về, không chịu nổi dù cũng có chút đỉnh ma giáo, muốn xóa hiện trường nhưng cũng chỉ chịu đựng nổi 2 ngày, phải đến cơ quan công an tự thú.
Hai vụ án này sẽ được đưa ra xét xử. Có thể nếu áp dụng một số tình tiết giảm nhẹ, họ có thể thoát án tử hình. Nhưng họ sẽ sống ra sao với quãng đời còn lại. Họ có dám nhìn con cháu mình, bà con thân thuộc, bạn bè của gia đình chồng? Đó không phải là sống mà chính là cái chết, cái chết kéo dài như vậy còn hơn cả cái chết tức thì.
Như chúng tôi đã nói, những vụ án như vậy không chỉ xảy ra ở nước ta, cho nên cũng đừng vội cho rằng tình nghĩa vợ chồng - tình nghĩa tào khang ở thế kỷ 21, thế kỷ văn minh đạt trình độ hậu hiện đại, nhạt nhòa. Vẫn còn đó rất nhiều những cặp vợ chồng sống tình nghĩa, họ sẵn sàng sống chết bên nhau, họ là một, là duy nhất. Chính họ khẳng định rằng nghĩa tào khang vẫn âm thầm nuôi dưỡng con người, rằng tình yêu vẫn mãi mãi ngọt ngào, chỉ có con người mới được diễm phúc hưởng thụ nó.
Tự nhiên viết đến đây tôi nhớ bài thơ Đôi dép của tác giả Nguyễn Trung Kiên, ví tình nghĩa vợ chồng như đôi dép, không rời nhau nửa bước:
Bài thơ đầu tiên anh viết tặng em
Là bài thơ anh viết về đôi dép
Khi nỗi nhớ trong lòng da diết
Những vật tầm thường cũng viết thành thơ
Hai chiếc dép kia gặp gỡ bao giờ
Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nửa bước
Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược
Lên thảm nhung, xuống cát bụi cùng nhau
Cùng bước, cùng mòn, không kẻ thấp người cao
Cùng chia sẻ sức người chà đạp
Dẫu vinh nhục không đi cùng người khác
Số phận chiếc này phụ thuộc chiếc kia
Nếu ngày nào một chiếc mất đi
Mọi thay thế sẽ trở thành khập khiễng
…
Nghe nói bài thơ này đã được ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, đọc lên trong buổi gặp các ông chồng thường đánh vợ trên địa bàn Đà Nẵng, để chống các hành vi bạo lực gia đình.
Bài thơ hết sức giản dị và văn chương vốn cũng thế, càng giản dị, càng trong sáng mới có sức hấp dẫn. Tình nghĩa vợ chồng cũng vậy, hãy như đôi dép kia, chỉ vậy thôi và đó là hạnh phúc.
Bình luận (0)