Băng-rôn “thương hiệu chợ gốm làng cổ bát Tràng thuộc về nhân dân làng bát Tràng” được treo ngay cổng chợ gốm, trong khi bên trong đang bày bán nhiều hàng nhái của Trung Quốc. Ảnh: Mạnh Duy
Gốm Bát Tràng đầu hàng gốm Trung Quốc
Cụ Lê Văn Cam, 83 tuổi, nghệ nhân cao tuổi nhất ở làng gốm Bát Tràng, quả quyết: “Gốm Bát Tràng có bản sắc riêng, màu men riêng không thể trộn lẫn với bất cứ loại gốm nào. Vì thế, ai đó lợi dụng cái riêng của gốm Bát Tràng để đưa những loại gốm có xuất xứ từ nơi khác đến rồi đóng nhãn mác Bát Tràng thì đó chẳng khác nào hành động giết chết dần nghề gốm ở đây”.
Hơn 60 năm làm nghề, cụ Cam rất tự hào về lịch sử hơn 800 năm của làng gốm và đặc biệt sau bao thăng trầm của lịch sử, gốm Bát Tràng luôn có chỗ đứng riêng. Nhưng nay, cụ đang gánh nỗi lo gốm Bát Tràng có nguy cơ bị thôn tính. Nghệ nhân Lê Văn Thụ, con trai cả của nghệ nhân Lê Văn Cam, thở dài: “Nhiều xưởng gốm ở Bát Tràng phải đóng cửa, có xưởng thì hoạt động cầm chừng và phải cho công nhân nghỉ việc. Xưởng của gia đình tôi đơn đặt hàng cũng giảm đi nhiều lắm”.
Theo ông Thụ, gốm Bát Tràng đang gặp khó trên chính sân nhà khi các loại gốm ngoại lai rẻ tiền khác ồ ạt tràn vào, nhất là từ Trung Quốc. Ngay giữa làng gốm, tình trạng người dân và thương lái Trung Quốc nhập gốm Trung Quốc về, sau đó dán mác Bát Tràng đã làm sản phẩm truyền thống nơi đây điêu đứng. Ông Phạm Văn May, Phó Chủ tịch UBND xã Bát Tràng, xác nhận hiện nay có đến hơn 95% sản phẩm nhái mẫu mã, màu men gốm Bát Tràng là hàng Trung Quốc.
Đi tìm lý do vì sao gốm Trung Quốc lấn át gốm Bát Tràng, câu trả lời từ chính những người kinh doanh ở chợ gốm Bát Tràng: Gốm Trung Quốc có giá rẻ hơn một nửa, lại dễ dàng đóng mác gốm chính hiệu nên rất dễ mua, dễ bán.
Theo ông Thụ, mối lo nhất hiện nay là cảnh thương lái Trung Quốc thường xuyên xuất hiện ở làng nghề. “Chuyện nhiều thương hiệu của Việt Nam bị mất về tay các doanh nghiệp Trung Quốc cần phải được lưu ý đặc biệt. Có thương lái Trung Quốc từng nói với tôi rằng nhiều cơ sở gốm Trung Quốc rất muốn nhái theo sản phẩm gốm Bát Tràng. Nếu không cảnh giác, gốm Bát Tràng cũng có thể mất thương hiệu” - ông Thụ lo lắng.
Lụa Hà Đông “Made in China”
Dịp Thăng Long - Hà Nội kỷ niệm tròn 1.000 năm tuổi cách đây 2 năm, những sản phẩm văn hóa như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc (Hà Đông) được tôn vinh như những “sứ giả văn hóa” thể hiện bàn tay tài hoa của người thợ thủ công đất kinh kỳ. Hồi ấy, có cả những chiến dịch quảng bá rầm rộ cho những sản phẩm này nhưng ở thời điểm hiện tại, nếu có về Vạn Phúc, người ta cảm nhận rõ sự u buồn vì cái hồn của một làng nghề đang chết.
Cũng giống như gốm Bát Tràng, nhiều xưởng dệt ở đây phải đóng cửa vì không cạnh tranh nổi với sản phẩm lụa công nghiệp giá rẻ của Trung Quốc. Cơ sở nào cố cầm cự để duy trì sản xuất thì cũng dần chuyển sang nhập sợi và cả hóa chất nhuộm của Trung Quốc. Phía bên ngoài, làng lụa vẫn nhộn nhịp bởi những cửa hàng kinh doanh lúc nào cũng ê hề sản phẩm đủ loại bán cho khách. Chỉ có điều, đa phần trong số này không phải lụa Vạn Phúc. “Những xưởng dệt đang đắp chiếu gần hết thì lấy đâu ra lụa nhiều như vậy mà bán cho khách? Mà làng nghề ở đây còn không cầm cự nổi thì nhiều làng khác cũng khó mà trụ được. Thế nên, lụa Vạn Phúc bây giờ đa phần xuất xứ từ Trung Quốc”- bà Vân, chủ một cơ sở dệt trong làng, tâm sự.
Về làng Vạn Phúc bây giờ tìm được lụa Vạn Phúc khó như mò kim đáy bể. Trong khi đó, “lụa ngoại” thì lúc nào cũng có sẵn với số lượng không hạn chế. Hỏi chủ các cơ sở kinh doanh ở đây “lụa ngoại” xuất phát ở đâu thì họ cho biết nguồn gốc cũng rất đa dạng, nào Malaysia, Thái Lan, Đài Loan… nhưng người làng nghề thì khẳng định đó đều là hàng Trung Quốc cả thôi. Nguyên liệu là lụa Trung Quốc nhưng thành phẩm lại dán nhãn “lụa Vạn Phúc”, thành ra tiếng tăm làng lụa Hà Đông cứ thế mà đi xuống theo năm tháng và trước sự lấn sân của hàng Trung Quốc.
Vàng mã Trung Quốc hại tranh Đông Hồ Làng tranh Đông Hồ (huyện Thuận Thành - Bắc Ninh) không gặp phải cạnh tranh từ các sản phẩm Trung Quốc như các làng nghề khác nhưng bi kịch dường như còn lớn hơn khi người dân hầu hết đã bỏ nghề. Cả làng hiện chỉ còn lại 2 gia đình nghệ nhân theo nghề là ông Nguyễn Đăng Chế và ông Nguyễn Hữu Sam. Điều dễ nhận thấy là làng tranh Đông Hồ đang giàu lên nhanh chóng từ nghề làm vàng mã. Người người làm vàng mã, nhà nhà làm vàng mã. Trớ trêu ở chỗ, góp phần cho người dân Đông Hồ bỏ nghề làm tranh chuyển sang nghề làm vàng mã lại chính là... thương lái Trung Quốc. Họ ồ ạt đưa nguyên liệu vàng mã từ Trung Quốc sang. Cơn lốc vàng mã cuốn tất cả người dân ở làng quê vốn yên bình này đi theo nghề giúp họ có đời sống kinh tế khá giả hơn. Bi kịch cho Đông Hồ là cái tên của làng giờ đây cũng bị xóa sổ khỏi bản đồ hành chính. Ba thôn Đạo Tú, Tú Khê và Đông Hồ được sáp nhập thành thôn Đông Khê. Cái tên Đông Hồ giờ chỉ còn lại trong tâm thức những người yêu tranh nơi đây. |
Bình luận (0)