Gần đây, những chuyến tàu ra khơi của hàng trăm ngư dân Đà Nẵng liên tục bị thua lỗ, thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra. Nhưng bất chấp lỗ nặng, nợ nần chồng chất, nhiều chủ tàu vẫn đi vay mượn, thế chấp nhà cửa để sắm tàu mới lớn hơn, tiếp tục vươn khơi xa đánh bắt hải sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
“Cắm” tài sản để sắm tàu
Có mặt tại cơ sở sửa chữa tàu cá Lý Cư (khu neo đậu âu thuyền phường Thọ Quang, quận Sơn Trà - TP Đà Nẵng), chúng tôi chứng kiến hàng chục tàu cá bị hư hỏng nặng do cơn bão số 2 vừa qua gây ra.
Chủ tàu ĐNA 90152TS Trần Văn Vốn (ngụ quận Thanh Khê) cho biết vừa qua, khi tàu của ông cùng 13 ngư dân đang đánh bắt hải sản ngoài khơi xa, trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa thì bất ngờ cơn bão số 2 ập đến khiến nước tràn vào khoang tàu. Do sóng to, gió lớn nên chưa đầy 3 giờ sau, tàu bị đánh sập, mũi tàu bị toác, ván hầm cũng bị bay, gãy bánh be và trên 100 bù loong cũng bị gãy. Các ngư dân đi theo tàu của ông may mắn được các tàu khác cứu sống.
Ông Trần Văn Vốn bên con tàu đang sửa chữa
Tổng thiệt hại trong chuyến ra khơi lần đó của ông Vốn hơn 150 triệu đồng. Ông cho biết trong khi chờ cơ quan chức năng hỗ trợ kinh phí, ông đành thế chấp tài sản, vay mượn 300 triệu đồng để sửa chữa tàu, sắm dàn máy có công suất trên 450 CV thay thế dàn máy cũ 200 CV. “Hơn 20 năm gắn bó với nghề biển nên biển cả đã thấm sâu trong máu của tôi. Tôi luôn muốn vươn khơi xa đánh bắt hải sản, bảo vệ ngư trường, lãnh thổ chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam”.
Khát vọng vươn khơi xa đánh bắt, bảo vệ ngư trường của cha con ông Lê Văn Thương và Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) cũng rất mãnh liệt. Tích cóp cả đời, ông mới đóng được tàu công suất 125CV nhưng cơn bão số 2 vừa qua cũng đã làm cho con tàu của ông bị hư hỏng nặng phải đưa lên bờ sửa chữa, ngốn hơn 100 triệu đồng.
Không thể mãi ra khơi với tàu nhỏ, mới đây, ông thế chấp tài sản để vay mượn thêm 300 triệu đồng sắm dàn máy có công suất trên 400 CV. “Biển là máu thịt, quê hương của mình. Dù khó khăn đến mấy, chúng tôi cũng phải ra khơi” - ông Thương khẳng định.
Mong muốn được trợ vốn
Có thâm niên hơn 35 năm hành nghề trên biển, đã từng thoát chết nhiều lần do bão lũ gây ra nhưng với ông Lê Văn Tiến (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê), một ngày không ra khơi là cảm thấy nhớ biển vô cùng.
Theo tâm sự của ông Tiến, sở dĩ ông chưa thể ra khơi là do tàu của ông liên tục bị thua lỗ trong những chuyến đi biển vừa qua, đặc biệt là đợt thất thu từ cơn bão số 2 vừa rồi, không còn tiền mua dầu. Ngay cả 2 chiếc xe máy, tài sản duy nhất có giá trị của gia đình, ông Tiến cũng mang đi cầm cố lấy 30 triệu đồng để lo cho cuộc sống của hơn 13 ngư dân theo tàu của ông.
Sau khi lập gia đình ở tuổi 25, ông Tiến bắt đầu cuộc sống mới bằng cách đi vay mượn 500 triệu đồng mua tàu đánh cá. Hồi bão Xangsane cuối năm 2006, tàu ông bị sóng đánh tơi tả, hư hỏng nặng nề. 30 triệu đồng dành dụm từ những chuyến đi biển cũng chưa đủ để sửa chữa con tàu bị hư hỏng. Đến năm 2007, khi tàu của ông cùng hơn 20 ngư dân đang câu mực ngoài biển khơi, không may gặp tàu lạ đến tấn công, lấy đi toàn bộ ngư cụ.
Ngay cả 4 tấn mực đánh bắt được và mấy chục phuy dầu cũng bị cướp sạch. Sau 2 ngày trôi dạt trên biển và may mắn gặp tàu cùng quê nên được hỗ trợ xăng dầu chạy về đất liền... “Mong muốn lớn nhất của tôi là được Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi để có nguồn vốn lưu động và nâng cấp tàu ra khơi trở lại” - ông Tiến bộc bạch.
Cần có chính sách hỗ trợ của Nhà nước
Tổng Thư ký Hội Nghề cá Việt Nam, ông Trần Cao Mưu, cho biết số lượng tàu công suất từ 90 CV trở lên ở phần lớn địa phương chỉ đạt khoảng 30%, còn lại là tàu 20-70 CV.
Tuy nhiên, ngay cả tàu công suất trên 90 CV cũng không thể an tâm khi đi khơi xa. Còn loại tàu công suất lớn 400 - 600CV của ngư dân hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Trong khi đó, so với các nước lân cận như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, tàu cá của họ chủ yếu từ 1.000CV trở lên và được trang bị hiện đại, trọng tải hàng ngàn tấn.
Từ thực trạng trên, ông Mưu cho rằng để thực hiện có hiệu quả đề án phát triển khai thác hải sản đến năm 2020, cần có chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho ngư dân.
Ông Mưu đề xuất bên cạnh chính sách hỗ trợ tín dụng như cho vay vốn ưu đãi giúp ngư dân sắm tàu, có thể cấp một số vốn đối ứng hoặc tài trợ thiết bị định vị, thông tin liên lạc, thậm chí là một phần máy móc… |
Kỳ tới: Kỳ vọng từ những đề án
Bình luận (0)