Trung Quốc khiêu khích trên biển Đông, vùng biển mà Ấn Độ đang tăng cường những sáng kiến chính trị và ngoại giao. Trung Quốc từ lâu đã kiên trì chống đối việc Công ty Dầu khí Quốc tế Ấn Độ ONGC Videsh Limited (OVL) tiếp nhận công trình thăm dò lô dầu khí của Việt Nam. Nay Trung Quốc tăng món đặt cược với hành vi nguy hiểm là đơn phương gọi thầu quốc tế lô dầu khí do Việt Nam sở hữu.
Ấn Độ cũng kiên trì lập lại quan điểm cho rằng hoạt động thăm dò dầu khí trên biển Đông chỉ thuần túy là thương mại chứ không thuộc lĩnh vực chính trị. Điểm quan trọng cần nhấn mạnh khác là hoạt động thăm dò dầu của Ấn Độ tại Việt Nam và biển Đông không phải bắt đầu mới đây mà từ năm 1988 bởi OVL còn mang tên khác là Hydrocarbons India Private Limited.
Giàn khoan dầu của công ty ONGC Videsh Limited - Ảnh Economic Times
OVL cũng đã hiện diện tại các lô dầu khí khác của Việt Nam từ những năm trước và đã thành công trong việc khai thác khí đốt tại các lô đó, thu được nguồn lợi đáng kể từ hoạt động này tại Việt Nam và biển Đông. Trong khi đó, Trung Quốc mới bắt đầu tích cực quan tâm tới biển Đông trong hai năm qua. Do đó, Ấn Độ khẳng định tiếp tục tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam và khu vực biển Đông.
Về mặt ngoại giao, có thông tin cho rằng Ấn Độ đồng ý cho Đài Loan đặt lãnh sự quán tại thành phố Chennai (thủ phủ bang Tamil Nadu ở miền Nam). Thông tin này như một cái tát vào mặt Trung Quốc vì Trung Quốc cũng đã yêu cầu đặt lãnh sự quán ở Chennai từ 6, 7 tháng trước và yêu cầu này đang chờ cân nhắc.
Nhiều nguồn tin ngoại giao cho rằng Ấn Độ không vội vã đáp ứng yêu cầu nói trên của Bắc Kinh. Trên thực tế, New Delhi muốn trao đổi, theo đó, Trung Quốc sẽ đặt lãnh sự quán ở Chennei với điều kiện Ấn Độ được mở lại lãnh sự quán ở Lhasa, thủ phủ của Tây Tạng.
Yêu cầu này đụng đến vấn đề hết sức nhạy cảm. Trung Quốc vẫn còn khó chịu về việc New Delhi cho phép Dalai Lama điều hành chính quyền Tây Tạng lưu vong trên đất Ấn Độ hơn nửa thế kỷ qua. Do đó, yêu cầu đặt sự hiện diện ngoại giao chính thức ở Lhasa của Ấn Độ làm trầm trọng thêm sự khó chịu này.
Sự thương lượng Ấn-Trung về vấn đề lãnh sự quán vẫn đang tiếp diễn và được dự đoán sẽ khó khăn, phức tạp lâu dài.
Bình luận (0)