Ngành thể thao Việt Nam hiện đang đổ ra một lượng tiền không nhỏ cho các VĐV Olympic và có hẳn “danh sách VĐV trọng điểm Olympic” để đầu tư. Tuy nhiên, những chuyến tập huấn kiểu “mặt trận”, chưa xác định được đâu là lợi thế, đâu là trọng tâm cần tập trung đã khiến thể thao Việt Nam nhận lấy những thất bại ngay từ khi Olympic chưa diễn ra.
Nhiều kế hoạch tập huấn phí tiền
Một năm trước khi Olympic diễn ra, Liên đoàn Điền kinh quyết định bỏ ra gần 100.000 USD để đưa 2 VĐV Vũ Thị Hương và Trương Thanh Hằng sang Đức tập huấn. Chuyến tập huấn được xác định là để hướng tới mục tiêu quyết tâm giành chuẩn B đi Olympic ở nội dung 100 m và 800 m nữ.
Thế nhưng, chuyến đi tốn kém này đã không mang lại hiệu quả như ý mà trái lại còn cho tác dụng ngược. Vũ Thị Hương sau hơn một tháng tập huấn tại Đức vì phải căng sức tham gia nhiều giải với mục tiêu “đạt chuẩn B” nên đã bị chấn thương. Không thu được thành quả gì khi về nước, Vũ Thị Hương thậm chí còn bị mất luôn cả HCV SEA Games ở 2 nội dung 100 m và 200 m
cô đang nắm giữ.
dù được huấn luyện bởi HLV Hàn Quốc. Ảnh: NGA NGUYỄN
Lãnh đạo Liên đoàn Điền kinh Việt Nam khẳng định kinh phí cho chuyến đi được hỗ trợ từ sự hợp tác với điền kinh Đức nhưng một số tiền không nhỏ từ ngân sách Nhà nước dành cho ngành thể thao cũng đã bị tiêu xài hoang phí. Tuy nhiên, sau chuyến tập huấn ấy, không thấy ai bị khiển trách và những thất bại cũng dần dần chìm vào quên lãng.
Dàn trải, thiếu trọng tâm
11 môn thể thao và 18 VĐV giành vé tới Thế vận hội London 2012 đều được lên chương trình tập huấn tại nước ngoài. Mới nhìn qua, tưởng như ngành thể thao rất chú trọng việc đầu tư cho thành tích ở đấu trường Olympic nhưng thực ra, các chuyến tập huấn đều được đầu tư kiểu cào bằng, ai cũng đi nhưng không ai trở thành mũi nhọn!
Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên vụ trưởng Vụ Thể thao Thành tích cao, cho rằng: “Nếu xác định đâu là lợi thế thì chúng ta chỉ nên đầu tư cho 2-3 môn thật mạnh mẽ, quyết liệt. Tuy nhiên, ngành thể thao lại không nhìn nhận vào thực lực của VĐV hay nói đúng hơn, môn nào cũng muốn VĐV của mình được đi tập huấn nước ngoài vì môn nào cũng khẳng định là có hy vọng”.
Việc dự báo, tìm hiểu đối thủ của các đội tuyển cũng có vấn đề khi các môn đều không nắm được tương quan lực lượng của đối thủ cạnh tranh huy chương. Thế nên, trong khi bắn súng có cơ hội giành huy chương lẽ ra phải được chuẩn bị tốt hơn thì lại chỉ được tập huấn ngắn ngày, trong khi những môn như rowing hầu như không có cơ hội nào lại được 2 chuyến tập huấn dài ngày ở Úc và Hàn Quốc!
Thể thao Việt Nam cũng thiếu sự linh hoạt khi lựa chọn hạng cân cho VĐV nên dẫn đến thất bại chóng vánh ở một số môn. Ông Hoàng Vĩnh Giang, Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam, thừa nhận: “Lê Huỳnh Châu có lẽ đã không thất bại trước đối thủ taekwondo Đài Loan, vốn từng bị Châu đánh bại, nếu cậu ấy không phải ép cân quá nhiều trước ngày tranh tài”.
Trong khi cử tạ Indonesia nhạy bén thay đổi hạng cân cho Eko Yuli Irawan từ 56 kg lên 62 kg trong 3 năm qua, giúp VĐV này giữ được HCĐ thì cử tạ Việt Nam vẫn “đóng khung” ở hạng cân 56 kg hiện giờ có quá nhiều đối thủ sừng sỏ làm Trần Lê Quốc Toàn khó có cơ hội cạnh tranh. Ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan, Malaysia, Indonesia đều có HCB, HCĐ nhờ các môn mũi nhọn tại Olympic 2012, trong đó Thái Lan giành 2 HCB từ quyền Anh và cử tạ nữ. Singapore giành 2 HCĐ từ môn bóng bàn với các VĐV nhập tịch gốc Trung Quốc.
VĐV Nguyễn Thị Thanh Phúc đã khép lại kỳ Thế vận hội 2012 cho đoàn Việt Nam sau khi hoàn thành nội dung đi bộ 20 km với thành tích 1 giờ 33 phút, phá kỷ lục quốc gia nhưng chỉ xếp ở nhóm giữa trong số các VĐV tranh tài. Vẫn phải đầu tư chiều rộng! Theo kế hoạch đề ra, sau khi có 11 môn và 18 VĐV đến được Olympic 2012, thể thao Việt Nam đặt mục tiêu có 15 môn và 30 VĐV dự Olympic 2016. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam, ông Hoàng Vĩnh Giang, nói: “Các môn canoeing, boxing nữ, bóng bàn… cũng rất có triển vọng và không thể không đầu tư”. Chiến lược của Việt Nam ở cả 3 sân chơi cấp độ khu vực, châu lục và Olympic vẫn là trải ra theo bề rộng chứ chưa tập trung theo chiều sâu. Theo ông Giang, đấu trường chính của thể thao chúng ta vẫn là SEA Games nên không thể bỏ bất cứ môn nào, dồn sức cho môn nào bởi các môn Olympic đáng quý nhưng các môn không phải Olympic cũng không thể coi thường.
Kỳ tới: Bài học và trách nhiệm
Bình luận (0)