Tập sách gồm 65 tờ viết bằng chữ Hán hai mặt, chữ còn rõ, gồm 20 mục khảo cứu về địa dư và 20 bản đồ đính kèm, trong đó có bản đồ tỉnh Quảng Đông và Việt Nam (trong phần Việt Nam, Tiêm La, Miến Điện khảo lược). Với những bản đồ chi tiết rõ ràng, tập sách chính thức xác nhận Quỳnh Châu (tức đảo Hải Nam) là biên giới cuối cùng của lục địa Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn trích dẫn thêm bài viết về biển Đông của học giả người Trung Quốc Lý Lệnh Hoa, có đoạn: “Vào thời nhà Thanh (đời Hàm Phong hoặc Đồng Trị), một chiếc tàu buôn của Pháp chở đồng đi qua vùng biển Tây Sa thì gặp cướp biển, bị cướp sạch. (...) Viên thuyền trưởng người Pháp đưa tàu đến cảng gần nhất là Du Lâm ở đảo Hải Nam, trình báo với tri phủ (tri huyện) địa phương. Viên quan địa phương nói với thuyền trưởng người Pháp: “Nơi chúng ta đứng đây là thiên nhai hải giác (chân trời góc biển). Đất của thiên triều đến đây là hết rồi. (...) Ông bị cướp, chúng tôi không chịu trách nhiệm, không quản được mà cũng không muốn quản”. Viên thuyền trưởng đành phải cho tàu chạy vào cảng Hải Phòng. Quan chức địa phương ở đó rất tốt, xác nhận cho ông ta, lại còn cho tàu ra ngoài biển, coi như đã truy bắt cướp”.
Có mặt tại buổi công bố, các nhà nghiên cứu, học giả như GS-TS Thiền sư Lê Mạnh Thát, GS Cao Huy Thuần, nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần... đánh giá cao việc phát hiện Địa dư đồ khảo, đồng thời đề nghị tìm kiếm thêm các chứng cứ về Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam trong nguồn tư liệu tại nước ngoài như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu... để bổ sung cho các cứ liệu trong nước. Bên cạnh đó, cần có một đầu mối về nghiên cứu cũng như tiếp nhận các nguồn tư liệu quý và đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền các nguồn tư liệu này.
Bình luận (0)