Thực ra, đề án trên không hề đề cập việc bỏ phiếu tín nhiệm hay bất tín nhiệm mà chỉ là một quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Nói cách khác, đây chỉ là một tiền đề (trong trường hợp tín nhiệm thấp) để đi tới quyết định tiếp theo là tiến hành bỏ phiếu quyết định xem người đó có được tiếp tục giữ chức vụ đã được bầu hoặc phê chuẩn hay không.
Tuy nhiên, theo nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ là “cơ hội” cho các cán bộ lãnh đạo không đạt được tỉ lệ tín nhiệm cần thiết thể hiện văn hóa từ chức trước khi bị đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm.
Việc từ chức quả thật là quá hiếm ở nước ta cho dù thời gian qua đã xảy ra nhiều sự cố, vụ tiêu cực “động trời” làm chấn động dư luận. Bên cạnh các nguyên nhân như văn hóa từ chức, lòng tự trọng của cán bộ…, còn do nguyên nhân không kém phần quan trọng là… cơ chế. Do cơ chế lãnh đạo tập thể, chồng chéo nên nhiều khi trách nhiệm cũng “tập thể”, không rõ ràng. Theo dõi các phiên chất vấn tại Quốc hội về các vụ tiêu cực xảy ra tại Vinashin hay Vinalines, đều có thể thấy rất rõ điều này.
Bởi thế, cho dù đề án về lấy phiếu tín nhiệm có được thực thi vào đầu năm tới thì cũng chưa có gì bảo đảm sẽ “bình thường hóa” việc từ chức, để không có chuyện cán bộ lãnh đạo cứ được bầu hoặc phê chuẩn là ung dung tại vị đến hết nhiệm kỳ cho dù thực tế công việc cho thấy không đủ đức, tài, thậm chí còn có khuyết điểm. Chưa quy định rõ ràng cũng như thật sự đề cao trách nhiệm của người đứng đầu thì có thể đến khi thấy trách nhiệm cứ bị đá qua đá lại trong vụ việc chấn động nào đó chúng ta lại phải thốt lên: “Từ chức, sao khó thế?”.
Bình luận (0)