Ngày 19-9 không còn đám đông nào tụ tập bên ngoài đại sứ quán Nhật ở Bắc Kinh. Cảnh sát Trung Quốc yêu cầu người dân không tới gần đại sứ quán Nhật trong khi các chốt chặn bên ngoài vẫn được duy trì. Ngoài một số cuộc biểu tình nhỏ ở lãnh sự quán Nhật tại Thượng Hải, không có thông tin nào về các cuộc tuần hành khác ở Trung Quốc.
Đại sứ quán Nhật Bản tại Bắc Kinh được canh giữ nghiêm ngặt. Ảnh: Reuters
Theo Reuters, rất nhiều cảnh sát chống bạo động được triển khai ở các ga tàu điện ngầm gần nơi có nhiều cơ sở của người Nhật tại Bắc Kinh.
Các lực lượng cảnh sát khắp Trung Quốc đăng thông điệp trên trang Weibo cho hay bất cứ ai phạm các tội hình sự trong những cuộc biểu tình đều sẽ bị bắt giữ. Tuy nhiên, cảnh sát Trung Quốc không nói cụ thể rằng cấm biểu tình.
Những cuộc biểu tình mang màu sắc bạo lực trong những ngày qua khiến dư luận quốc tế lo ngại hai nền kinh tế hàng đầu thế giới lâm vào cảnh “lưỡng bại câu thương”. Một số công ty Nhật đã ngừng hoạt động hoặc hạn chế sản xuất ở Trung Quốc.
Ngày 18-9 có thể xem là đỉnh điểm biểu tình chống Nhật tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Cùng ngày 19-9, Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố quyết định mua một phần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư của Nhật Bản là “trò hề” và khuyên Tokyo nên “kiềm chế trong ứng xử”.
Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập phát biểu trong cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta: “Nhật Bản nên kiềm chế và chấm dứt các từ ngữ cùng hành động làm ảnh hưởng đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc”.
Ông Tập trở thành lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Trung Quốc phát biểu về tranh chấp này sau khi Tokyo mua đảo. Theo giáo sư Shi Yinhong của Đại học Renmin ở Bắc Kinh, phát biểu của ông Tập không có ý khuyến khích biểu tình thêm nữa. "Rõ ràng là chính phủ Trung Quốc sắp tổ chức đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 18 và họ sẽ không bật đèn xanh cho biểu tình thêm nữa” - ông Shi phân tích.
Bình luận (0)