Sở NN- PTNT tỉnh Cà Mau thống kê hiện có hơn 100 điểm nóng về sạt lở bờ biển Tây, biển Đông Cà Mau như phía Nam đê Đá Bạc (huyện Trần Văn Thời) có đoạn sạt lở bờ biển dài 160 m, phía Nam Lung Ranh (huyện U Minh) 800 m, Cái Cám (huyện Phú Tân) 500 m. Ít nghiêm trọng hơn nhưng tại cửa biển Hương Mai, Vàm Giáo Bảy của huyện U Minh và một phần đê biển Đông ở phía Nam cửa biển Gành Hào của huyện Đầm Dơi cũng sạt lở hơn 700 m.
Bờ biển, bờ sông đều lở
Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, cho biết: “Có nơi sạt lở ăn sâu vào chỉ còn 20 m rừng phòng hộ, sóng đánh văng cả kè gọ đá, nguy cơ vỡ đê là rất cao. Công tác thi công hộ đê khẩn cấp gặp rất nhiều khó khăn do biển động liên tục trong vòng 1 tháng nay. Đã có 2 sà lan chở vật liệu hộ đê bị chìm khi mới ra đến cửa biển”.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang cho biết toàn tỉnh có 44 đoạn sông nằm trong danh mục cảnh báo sạt lở. Từ đầu năm đến nay đã xảy ra trên 15 vụ sạt lở đất bờ sông (trên 23 điểm) ở hầu hết các địa bàn có sông Tiền và sông Hậu chảy qua, như: thị xã Tân Châu, TP Long Xuyên, huyện Chợ Mới, huyện Phú Tân và huyện An Phú, với tổng chiều dài 152.880 m, diện tích đất đã sạt lở trên 24.000 m2, làm sập 14 căn nhà, số nhà cần di dời 411 căn, 16 công trình nhà máy bị ảnh hưởng. Sạt lở còn gây ảnh hưởng lớn đến tài sản, công trình đường giao thông và đời sống an sinh xã hội trong khu vực, nghiêm trọng nhất là các vụ sạt lở xảy ra tại địa bàn TP Long Xuyên, thị xã Tân Châu và huyện Phú Tân.
Hết đất dời nhà
Theo dự báo, trong mùa lũ năm 2012, tình hình sạt lở bờ sông sẽ có những diễn biến phức tạp và có thể phát sinh thêm nhiều điểm mới. Trong đó, có 3 đoạn cảnh báo mức độ sạt lớn đặc biệt nguy hiểm và mức độ ảnh hưởng lớn, cần có giải pháp ngăn chặn ngay và hạn chế thiệt hại do sạt lở xảy ra, gồm: xã Châu Phong (thị xã Tân Châu), đoạn sông từ kênh Xáng Cây Dương - phà Năng Gù thuộc xã Bình Mỹ (huyện Châu Phú) và các phường Bình Đức, Bình Khánh và Mỹ Bình (TP Long Xuyên).
Còn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, hiện có trên 100 điểm sạt lở ở 17 xã, phường, thị trấn với chiều dài gần 17 km, nguy hiểm nhất là tại xã An Hiệp (huyện Châu Thành); xã Tân Quới, Tân Bình (huyện Thanh Bình); xã Long Thuận, Phú Thuận B, Long Khánh A (huyện Hồng Ngự)… Theo đó, có trên 5.000 hộ dân nằm trong vành đai nguy hiểm cần di dời khẩn cấp.
Theo nhiều hộ dân ở xã Tân Bình, hiện đa số bà con đều lâm vào cảnh cùng đường do hết đất để di dời nhà cửa nên đang kêu cứu các ngành chức năng hỗ trợ. Ông Lê Văn Triều, ngụ xã Tân Bình, huyện Thanh Bình, lo lắng nói: “Căn nhà tôi đã chạy lở đến 2 lần rồi. Nếu bây giờ mà xảy ra vụ sạt mới thì phải đóng ghe mà sống chứ đâu còn đất để dời nhà. Hiện mọi người ở đây như ngồi trên lửa vì lo sợ sạt lở sẽ còn diễn ra”.
Sạt lở 5 m/năm Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi tỉnh Vĩnh Long, trên các tuyến sông, rạch của tỉnh này có trên 60 điểm sạt lở ở cấp độ khác nhau. Nghiêm trọng nhất là tại khu vực cồn An Bình (xã An Bình, huyện Long Hồ). Tại đầu cồn An Bình, tình trạng sạt lở nơi đây diễn ra rất nhanh. Ông Roãn Ngọc Chiến, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long, nhận định: “Đầu cồn An Bình thuộc ấp An Long là điểm sạt lở mạnh do hiện tượng xâm thực ngang của dòng sông, tốc độ sạt lở trung bình 5 m/năm. Tốc độ sạt lở, so sánh đường bờ năm 2002 đến 2009 dịch chuyển từ 10-30 m, làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của các hộ dân đang định cư tại khu vực này”. Còn tại Cần Thơ, trên sông Hậu cũng tồn tại 16 điểm sạt lở, trong đó có 8 điểm nghiêm trọng. |
Kỳ tới: Tiền tỉ trôi theo hà bá
Bình luận (0)