xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khi cái ác lộng hành

LƯU NHI DŨ

Vì sao con người ngày càng tàn ác và những vụ án mạng kinh hoàng vẫn cứ xảy ra? Làm cách nào để ngăn chặn cái ác vẫn là câu hỏi nhức nhối

Một sát thủ Lê Văn Luyện đã làm cho dư luận bàng hoàng; một tên quái thai Đặng Trần Hoài (27 tuổi) ở Sơn Tây (Hà Nội) hiếp dâm cháu bé 9 tuổi, giết cháu khác 4 tuổi - một loại tội ác quá man rợ, làm cho dư luận kinh hãi. Một vụ va quệt nhẹ trên đường Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức - TPHCM) năm nào, người ta sẵn sàng lấy đi một mạng người. Những vụ án vợ đốt chồng, giết chồng, chồng giết vợ, cháu giết bà… thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Và mới đây trên đường Nguyễn Văn Lượng (quận Gò Vấp - TPHCM), một tiếng nẹt pô và một vụ giết người cực kỳ dã man lại xảy ra…
 

img


Từ cái thiện sơ khai đến cái thiện hoàn hảo

Những chuyện đó không chỉ có ở Việt Nam, ở đâu cũng có trong thời đại văn minh này, nhưng cái ác chồng lên cái ác, ngày càng lộng hành khiến xã hội cảm thấy bất an.
Vì sao con người ngày càng hung dữ, tàn ác như vậy? Nhà triết học gốc Áo  George Steiner đã từng đi tìm câu hỏi: Liệu chúng ta có thể chung sống với ý nghĩ rằng con người với bề ngoài tiến bộ, vẫn là nô lệ cho những bản năng nguyên thủy? Ông cũng từng bi quan khi tuyên bố chúng ta có những bước tiến nhảy vọt về khoa học nhưng lịch sử thì vẫn giẫm chân tại chỗ.

Tuân Tử cho rằng con người sinh ra vốn đã ác rồi, cần phải học tập, tu dưỡng, rèn luyện để hướng dần đến cái thiện. Đó là một quan điểm triết học về chuyển hóa đạo đức, nhưng quan điểm “nhân chi sơ tính bổn thiện” được nhiều người chấp nhận hơn. Đó cũng là quan điểm triết học về chuyển hóa, chuyển hóa từ cái thiện sơ khai đến cái thiện hoàn hảo hơn và lệ thuộc vào môi trường sống.

Có một thí nghiệm tâm lý để nghiên cứu về cái ác của con người đã được GS Philip Zimbardo tiến hành năm 1971 có tên gọi là “Thí nghiệm nhà tù Stanford” để chứng minh vì sao quản giáo ác độc với tù nhân. Ông chọn 2 nhóm ngẫu nhiên, một nhóm làm quản giáo (nhưng không huấn luyện họ cách hành xử) và giao toàn quyền cho họ quản lý nhóm đóng vai tù nhân. Một nhà tù được giả định trong Trường ĐH Stanford.
 
Thời gian thí nghiệm là 2 tuần nhưng chỉ đến ngày thứ 6 thì phải ngưng vì nhóm quản giáo trở nên cực kỳ ác độc với nhóm tù nhân, bị người nhà của nhóm tù nhân phản ứng, đòi kiện ra tòa vì thí nghiệm phi nhân bản. Dù thí nghiệm bị ngưng lại nhưng GS Zimbardo đã chứng minh rằng con người trở nên ác độc vì môi trường sống chứ không phải ác độc bẩm sinh.

Những tác nhân xã hội
 
Chúng ta đang sống trong một nền kinh tế thị trường khốc liệt mang đặc điểm Việt Nam với một nền tảng luật pháp vẫn chưa hoàn hảo. Một xã hội mà công chức không thể sống được bằng lương nhưng người ta đổ xô xin đi làm công chức, công bộc cho dân và hầu như ai cũng sống khỏe. Một xã hội mà anh cảnh sát giao thông thản nhiên lấy tiền của dân, anh thuế vụ sẵn sàng nhận hối lộ, anh hải quan xem việc lấy bì thư là chuyện đương nhiên thì điều gì sẽ xảy ra?

Hãy tưởng tượng cảnh cô giáo dạy lớp 1, đến ngày thu tiền học thêm của học sinh, tự đứng ra nhận đồng tiền “bị cấm” đó, còn đứa bé lớp 1 ấy nghĩ việc trả tiền học thêm cho cô giáo như việc đi mua cái kẹo, cây kem thì buồn đến vô cùng. Một nền giáo dục chỉ chăm chú dạy cho các em cách đi thi cho đậu mà quên việc dạy nhân cách để làm người. Các trường học thi nhau nâng cấp để thành trường điểm, trường chất lượng cao, trường dành cho con nhà gia thế, đã tạo sự bất công ngay từ trường học. Nhà trường đào tạo ra những con người chưa hoàn chỉnh, con người đó sau lập gia đình, thành những tế bào của xã hội và sinh ra những tế bào khác bị lỗi.
Khoảng cách giàu nghèo ngày một nới rộng ra. Khoảng cách ấy càng xa thì bất công xã hội càng tăng, càng gây sức ép cho tầng lớp dưới, đặc biệt tầng lớp dưới đáy xã hội. Mâu thuẫn này chồng lên mâu thuẫn khác, làm cho con người bị stress xã hội. Con người quay trở về bản năng và hành xử theo ý của mình, đó là cái quyền họ có duy nhất và tội ác xảy ra ngày càng kinh hãi.  

Tất cả hiện thực đó có mặt trong những cái ác đang hiện hữu và đang ngày càng lộng hành. Tất cả cũng chứng minh cho thí nghiệm của GS Zimbardo là khả tín. Thực ra câu chuyện “Mạnh mẫu” dời nhà vì con mà ai cũng biết, ở góc độ nào đó cách đây hơn 2.300 năm, mẹ Mạnh Tử cũng đã chứng minh cho thí nghiệm của Zimbardo rồi.

Cái ác khó ngăn chặn triệt để nhưng có thể hạn chế được nó. Con người luôn luôn tìm cách bước từ bóng tối ra ánh sáng. Con người ngày càng thông minh hơn nhưng bao giờ con người trở thành những “con người văn minh” là câu hỏi cả nhân loại vẫn tiếp tục đi tìm…
 
TS NGUYỄN TÙNG LÂM, CHỦ TỊCH HỘI TÂM LÝ GIÁO DỤC HÀ NỘI:

Cái ác đang lấn át

Đôi khi đời sống tinh thần tăm tối cùng với hoàn cảnh vật chất khó khăn đã tạo ra tội ác. Nhưng đôi khi chỉ vì một phút không kiềm chế được mình, tội ác cũng xảy ra mà không nhất thiết phải bắt nguồn từ một nguyên cớ hoặc phải trả thù. Nhiều khi dù chẳng thù oán, chẳng quen biết, người ta vẫn tình cờ làm điều ác với một ai đó.
Cái ác xuất hiện ngày càng nhiều phản ánh một xã hội bất an, nhiều biến động và pháp luật chưa đủ nghiêm. Đi tìm lời giải cho tình trạng này, phải nhìn từ nhiều góc độ, nhiều phía. Ta có thể thấy chính sự biến động xã hội đã khiến cho nhiều gia đình, nhất là gia đình trẻ, ly tán rất nhiều. Người ta phải bươn chải, lo làm ăn nên việc quan tâm đến con cái, thiếu việc xây dựng nền nếp gia đình nên gia đình dễ bị phá vỡ. Hạt nhân quan trọng nhất của xã hội đứng trước nguy cơ bị phá vỡ đã dẫn đến nhiều hệ lụy. Sự gắn bó trong gia đình biến mất, thay vào đó người ta đối xử với nhau bằng đồng tiền, trước đây làm gì có chuyện anh em đánh giết nhau vì chia chác của nả bố mẹ để lại nhưng bây giờ ai nhanh chân thì được, ai trắng trợn thì người ấy thắng, tất cả đều theo sự biến động của xã hội hết.
Thứ hai là trường học, nơi giáo dục con người thì lại chỉ nặng về dạy chữ, phương pháp giáo dục rất lạc hậu, không giúp thêm gì cho gia đình trong việc vá lỗ hổng giáo dục đạo đức cho trẻ. Trong khi đó, truyền thống văn hóa, truyền thống dân tộc bị bào mòn. Những người có văn hóa, hiểu biết không dám thể hiện của mình vì cái ác đang lấn át, đang mạnh. Một mặt, ta lên án sự vô cảm nhưng mặt khác, cũng phải thừa nhận rằng người ta không thể đương đầu với cái ác đang lan tràn, vì nếu hăng hái quá, họ có thể sẽ bị thiệt thân.
 
TS NGUYỄN VĂN VỊNH, PHÓ VIỆN TRƯỞNG VIỆN KINH TẾ XÃ HỘI VÀ PHÁT TRIỂN:

Gieo cái ác một cách vô thức

Một thực tế đau lòng đang xảy ra, đó là rất nhiều trẻ vị thành niên sẵn sàng lạnh lùng xuống tay, sẵn sàng hành động như Lê Văn Luyện. Có nhiều nguyên nhân lý giải tại sao cái ác ngày càng gia tăng nhưng đôi khi, chính những thông tin tràn ngập về bạo lực ở một khía cạnh nào đó đã vô tình tiếp tay cho tội ác lan tràn. Những thông tin về tội ác được đưa tỉ mỉ, chi tiết trên mặt báo nhằm thỏa mãn nhu cầu tò mò của người đọc đã gieo một cách vô thức về cái ác trong đầu nhiều đứa trẻ. Và một phút nào đó bất ngờ, chẳng hạn khi gặp một cú sốc, những đứa trẻ này thẳng tay hành động. Một khi cái ác được những đứa trẻ “tung hô” kiểu tự hào khoe “là em anh Luyện” thì không thể lường trước chuyện gì sẽ xảy ra.
Nhiều chuyên gia giáo dục đã nhận xét thẳng thắn, nhà trường hiện nay mới chỉ chú trọng đến dạy chữ chứ chưa có đủ điều kiện để quan tâm nhiều đến dạy người. Môn học đạo đức dù đã được đưa vào nhà trường ngay từ tiểu học nhưng những điều tưởng như đơn giản lại rất khó thực hiện, đó là truyền dạy được cho các em phải có lòng thương, tình thương người. Ở nhà thì bố mẹ bận rộn với mưu sinh, đến trường thì các thầy cô chỉ lo nhồi nhét kiến thức đã khiến nhiều đứa trẻ trở nên thờ ơ, vô cảm, ít quan tâm đến người khác. Sự vô cảm ở khía cạnh nào đó, đã gây ra tội ác một cách vô thức.

Yến Anh ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo