xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cải lương một màu: “Trói tay” sáng tạo

Bài và ảnh: THANH HIỆP

Nghệ sĩ biểu diễn muốn thể hiện đúng sở trường lại bị ép vào một khuôn khổ mà chính họ không tự tin để sáng tạo

Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc sẽ diễn ra từ ngày 20-10 đến 3-11 tại Trung tâm Tổ chức sự kiện TP Biên Hòa - Đồng Nai. Liên hoan năm nay có 27 vở diễn thuộc 24 đơn vị nghệ thuật, nhà hát cải lương trên toàn quốc tham dự. Thế nhưng, nỗi trăn trở của nghệ sĩ lớn hơn niềm hồ hởi bởi liên hoan đã bị áp đặt bởi ý chí chủ quan của người quản lý.

Bất hợp lý

Mỗi liên hoan, hội diễn, ban tổ chức và ban chỉ đạo có quyền giới hạn đề tài theo quy định, yêu cầu chung. Thế nhưng, việc gạt đề tài lịch sử, màu sắc cổ trang ra khỏi liên hoan năm nay là một quy định bất hợp lý, nhất là đối với nghệ thuật sân khấu cải lương. Bởi chất sử thi, oai hùng, hình thức thể hiện đầy màu sắc với vũ đạo, võ thuật chính là thế mạnh của sân khấu cải lương.
 
Trong khi đó, quy chế tổ chức yêu cầu các tác phẩm tham dự  “có nội dung ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần bất khuất của con người Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống thù trong giặc ngoài để giải phóng dân tộc giai đoạn từ năm 1930 đến nay”.
img
Cảnh trong vở Sám hối (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang)
 
Đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ cho rằng: “Quy định này chưa hợp lý ở chỗ đã tự trói chân, trói tay những người làm nghề. Lâu nay, sàn diễn cải lương tuyên truyền hiệu quả nhất khi thể hiện đúng 4 yếu tố: trung, hiếu, tiết, nghĩa. Trong thời điểm hiện nay những trang sử hào hùng của dân tộc, những tấm gương anh hùng đánh đuổi ngoại xâm rất cần được thể hiện để hun đúc tinh thần yêu nước của nhân dân thông qua liên hoan.
 
Việc giới hạn các đề tài từ năm 1930 đến nay khiến nghệ sĩ khó thể chọn kịch bản phản ánh tính lịch sử của giai đoạn này và không dễ dàn dựng các tác phẩm theo hình thức màu sắc vốn là đặc thù của bộ môn cải lương”.

Soạn giả Hoàng Song Việt phân tích: “Yêu cầu của liên hoan là các tác phẩm cần có sự tìm tòi, sáng tạo mới về phương pháp nghệ thuật, hình thức thể hiện, giữ được các đặc trưng  của loại hình cải lương, thể hiện rõ các chức năng cơ bản của văn hóa nghệ thuật: nhận thức, giáo dục và thẩm mỹ”. Thế nhưng, khuôn tất cả các yêu cầu này vào đề tài đương đại thì khó mà tạo được sự bay bổng, độ thăng hoa của nghệ thuật cải lương. Cải lương mà tước bỏ tố chất, sở trường thì kịch bản dù có viết hay đến mấy cũng chỉ là vở kịch có bài ca”.

Học hỏi được gì?

Lâu nay, liên hoan, hội diễn được xem như ngày hội của những người làm nghề. Họ mong muốn trong thời gian tổ chức sẽ tạo điều kiện để các đơn vị nghệ thuật trao đổi, học tập kinh nghiệm, phát hiện những cái mới trong lao động sáng tạo nghệ thuật. Thế nhưng, hầu hết các đơn vị đều cố gắng bám đúng vào quy định của ban tổ chức liên hoan, cố gắng dựng vở với đề tài xã hội để tham dự.
 
NSƯT Minh Hoàng, Trưởng đoàn Hương Tràm - Cà Mau, băn khoăn: “Gốc của cải lương đâu phải là đề tài hiện đại. Các đoàn loay hoay tự lo cho mình chưa biết có đạt được hiệu quả không thì còn đâu nghĩ đến chuyện học hỏi nhau? Mà học hỏi cách làm đề tài hiện đại để làm gì khi thực tế trình diễn loại đề tài này lại không đáp ứng được nhu cầu thưởng thức đa dạng của khán giả?”.

Vở Chất ngọc không tan của nhóm nghệ sĩ Linh Huyền được đánh giá có nội dung sâu sắc, được dàn dựng trên một sân khấu đẹp, hoành tráng, các nghệ sĩ ca diễn xuất thần nhưng vì là đề tài lịch sử nên chấp nhận số phận đứng bên lề liên hoan. Trong khi đó, sân khấu cải lương rất cần khuyến khích các đơn vị xã hội hóa tham gia, vì chính họ chứ không ai khác mới đo được thị hiếu khán giả bỏ tiền mua vé, khác với các đơn vị công lập có ngân sách để dựng vở, diễn phục vụ miễn phí.

Dù có nhiều ý kiến phản ứng về việc loại những vở diễn đề tài lịch sử tham gia liên hoan năm nay nhưng ban tổ chức vẫn không tiếp thu, điều này đã khiến không ít người làm nghề rơi vào tâm trạng hụt hẫng. Nghệ sĩ  biểu diễn muốn thể hiện đúng sở trường lại bị ép vào một khuôn khổ mà chính họ không tự tin để sáng tạo.

Đi ngược lại nhu cầu của xã hội

NSND Thanh Tòng bức xúc: “Các phương tiện truyền thông đã liên tục cảnh báo thực trạng giới trẻ không biết cội nguồn lịch sử của dân tộc khi mà phim ảnh các nước được phát sóng liên tục. Nay liên hoan của ngành nghề thì không cho những vở diễn đề tài lịch sử tham gia, chẳng khác nào đi ngược lại nhu cầu giáo dục khá cấp bách của xã hội hôm nay”.
 
NSND Lệ Thủy nói: “Làm nghề lâu năm, tôi biết để suy nghĩ đưa vào kịch bản hiện đại những tình huống đúng chất cải lương, đòi hỏi phải là những đạo diễn giỏi nghề, nếu không sẽ rất khiên cưỡng. Trên thực tế, những vở diễn lịch sử, dã sử vẫn có thể truyền tải đầy đủ độ nóng của nhiều vấn đề thời sự, vẫn mang hơi thở thời đại.
 
Còn vở diễn đề tài hiện đại mà dựng kém, gượng ép thì khán giả sẽ quay lưng; những người làm nghề sẽ nhận thấy có tội với người dân vì liên hoan được tổ chức từ tiền nộp thuế của họ”.
Tài trợ Giải Mai Vàng 2012
img
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo