Ngày 30- 10, ThS Nguyễn Huỳnh Thuật, cán bộ Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên, đã nhận được văn bản từ Văn phòng Chủ tịch nước sau khi gửi bức tâm thư lên Chủ tịch mong muốn bảo vệ VQG Cát Tiên trước sự xâm hại của 2 thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.
Kiểm tra, báo cáo Chủ tịch nước
Văn bản này cũng được Văn phòng Chủ tịch nước gửi đến Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (QH), các bộ Công Thương, Khoa học - Công nghệ, Tài nguyên - Môi trường để phối hợp, xem xét nội dung thư mà ông Thuật phản ánh.
Như Báo Người Lao Động ngày 8-10 thông tin, ThS Nguyễn Huỳnh Thuật, cán bộ nghiên cứu thuộc Phòng Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế - VQG Cát Tiên, có gửi một bức tâm thư lên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với nội dung mong muốn Chủ tịch “cứu” VQG Cát Tiên khỏi 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A mà Tập đoàn Đức Long Gia Lai đang triển khai. Sau khi gửi thư lên Chủ tịch nước, ông Thuật đã bị cơ quan yêu cầu viết kiểm điểm (1 trong 4 nội dung mà ông Thuật phải viết kiểm điểm) để xem xét mức kỷ luật.
Khó có thể cho xây 2 thủy điện này!
Cũng liên quan đến 2 dự án thủy điện kỳ lạ này, ngày 30-10, tại phiên thảo luận của QH về tình hình kinh tế - xã hội, Phó trưởng Đoàn Đại biểu QH tỉnh Đồng Nai, ông Trương Văn Vở, kiến nghị Chính phủ kịp thời có kế hoạch bảo vệ rừng nhằm hạn chế tình trạng chặt phá rừng, bảo vệ môi trường rừng, không vì thủy điện mà phá hủy rừng đặc dụng, VQG. “Tôi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm xem xét và báo cáo QH tại kỳ họp này về cơ sở pháp lý triển khai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, trong đó cần làm rõ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất VQG Cát Tiên để làm thủy điện” - ông Vở nói.
Bên hành lang QH, ông Huỳnh Ngọc Đáng, Phó trưởng Đoàn Đại biểu QH tỉnh Bình Dương, cho biết sự quan tâm, lo lắng của tỉnh Đồng Nai đối với 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A cũng là mối lo chung của Bình Dương, cũng như nhiều tỉnh miền Đông khác vì Bình Dương và Đồng Nai đều nằm ở hạ lưu của 2 thủy điện này. “Bình Dương ủng hộ Đồng Nai cùng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét việc dừng xây dựng 2 thủy điện này theo đề nghị của tỉnh Đồng Nai” - ông Đáng khẳng định.
Không bảo đảm thì dứt khoát dừng!
- Phóng viên: Đoàn Đại biểu QH tỉnh Đồng Nai kiến nghị dừng 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A do lo ngại ảnh hưởng đến VQG Cát Tiên, ý kiến của Phó Thủ tướng về vấn đề này như thế nào?
- Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Những phản ứng từ phía địa phương là một thông tin “đầu vào” cho hội đồng thẩm định xem xét 2 dự án thủy điện này. Chính quyền tỉnh Đồng Nai cũng như các địa phương khác trên cơ sở xem xét về mặt quy hoạch, môi trường, việc di dời dân... nếu thấy có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng thì có thể đề nghị không làm dự án.
Ngay cả những dự án đã xây dựng rồi nhưng sau này thấy tác động về môi trường, xã hội lớn thì phải xem tìm giải pháp để khắc phục, nếu không thì phải đình công trình lại. Bất cứ dự án nào, nguyên tắc ưu tiên là phải bảo đảm môi trường và đời sống của người dân. - Nhưng những ảnh hưởng của thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đến VQG Cát Tiên là rất rõ, điều này đã được giới chuyên môn trong và ngoài nước cảnh báo, thưa Phó Thủ tướng? - Chủ trương của Chính phủ từ lâu là các dự án thủy điện đều phải thực hiện theo đúng quy trình. Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đang ở bước thẩm tra, đánh giá tác động môi trường và phải qua bước đó mới được triển khai. Hiện nay, bước đó vẫn đang nằm ở hội đồng thẩm định để xem xét, đánh giá. Vấn đề này đang có rất nhiều ý kiến và nó sẽ là thông tin “đầu vào” tốt cho các nhà khoa học trong hội đồng xem xét, đánh giá để có kết luận cuối cùng, từ đó Chính phủ sẽ quyết định, nếu không bảo đảm thì dứt khoát dừng. -Theo Phó Thủ tướng, sự cố thủy điện Sông Tranh 2 có phải là lời cảnh báo cho công tác quy hoạch, xây dựng các công trình thủy điện sau này? - Quy hoạch thủy điện được thực hiện ở các cấp. Từ quy hoạch sẽ ra các dự án cụ thể. Trong quy hoạch chia làm 2 loại: quy hoạch thủy điện ở các dòng sông lớn thì cấp bộ làm; quy hoạch thủy điện nhỏ là do các địa phương lập và duyệt. Với các dự án thủy điện lớn thì đã có 45 dự án đưa vào hoạt động, còn 34 dự án nữa đang triển khai thi công và các dự án còn lại đang tiếp tục nghiên cứu. Từ bước quy hoạch dự án chuyển sang bước lập dự án phải được nghiên cứu tất cả các khía cạnh. Quy trình bao gồm: báo cáo đánh giá tác động môi trường, đánh giá về động đất, đứt gãy, thiết kế… Đối với dự án thủy điện nhỏ thì UBND cấp tỉnh giao cho các sở chuyên ngành giám sát từ việc thiết kế, thi công. Thế Dũng ghi |
Bình luận (0)