Những năm gần đây, Nghệ An và Hà Tĩnh trở thành điểm nóng về nạn buôn bán, vận chuyển, nuôi nhốt hổ trái phép. “Chúa sơn lâm” bị hành xác ở đây chủ yếu có nguồn gốc từ Lào, được các đối tượng vận chuyển trái phép qua biên giới đem về nước tiêu thụ.
Ngày 4-9, trên Quốc lộ 8A đoạn qua xã Đức Lâm, huyện Đức Thọ - Hà Tĩnh, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Hà Tĩnh phát hiện một chiếc xe Camry chở 4 hổ con còn sống có tổng trọng lượng 21,5 kg. Tại cơ quan công an, 2 kẻ vận chuyển khai là Hồ Sỹ Hạnh (SN 1976, ngụ huyện Quỳnh Lưu - Nghệ An) và Bùi Văn Mười (SN 1979, ngụ huyện Yên Thành - Nghệ An) đã thừa nhận việc buôn bán hổ trái phép từ Lào về.
Theo cơ quan công an, việc buôn bán, vận chuyển hổ từ Lào về Hà Tĩnh, Nghệ An rồi mang đến nhiều địa phương khác trong nước tiêu thụ diễn ra rất chặt chẽ và có tổ chức. Người nào có nhu cầu mua hổ về nuôi hay nấu cao, chỉ cần xem hàng và đặt cọc tiền, các đường dây buôn bán sẽ cử người đưa đến tận nhà. Hiện nay, hổ con 3-5 kg có giá khoảng 150-180 triệu đồng, hổ trưởng thành 3-5 triệu đồng/kg. “Hổ trưởng thành chủ yếu mua để nấu cao, còn hổ con thì bán cho các chủ nuôi nhốt” - một cán bộ Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Nghệ An cho biết.
Các đường dây buôn bán, vận chuyển, giết hại hổ trái phép liên tục bị phát hiện; nhiều đối tượng đã bị bắt giữ, thậm chí vào tù nhưng do lợi nhuận quá lớn, nhiều người ở Nghệ An và Hà Tĩnh vẫn bất chấp. Ngoài ra, do việc chế tài chưa đủ sức răn đe nên dẫn đến tình trạng buôn bán, giết mổ hổ vì mục đích thương mại gia tăng.
Ông Nguyễn Đình Kỳ, Phòng Pháp chế Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh, nhìn nhận: “Pháp luật còn tồn tại nhiều khoảng trống, công tác quản lý và thực thi pháp luật còn bộc lộ nhiều hạn chế chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng săn bắt, buôn bán, giết hại động vật hoang dã, trong đó có loài hổ, gia tăng đáng ngại thời gian gần đây”.
Nuôi nhốt bí mật Tại Nghệ An, huyện Yên Thành được biết đến là nơi có nhiều điểm nuôi nhốt hổ trái phép. Theo ông Lê Cao Bính, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nghệ An, hổ được nuôi rất bí mật. “Vừa qua, chúng tôi nhận được thông tin về tình trạng nuôi hổ trái phép ở Yên Thành nhưng các đoàn kiểm tra đều chưa phát hiện được” - ông Bính cho biết. Về nguồn gốc số hổ bị phát hiện trong các vụ buôn bán, vận chuyển gần đây, ông Bính nhận định: “Ở Lào có nhiều trang trại nuôi hàng trăm con hổ. Có thể đây chính là nguồn cung cấp cho các đối tượng buôn bán hổ trái phép ở Việt Nam”. |
Bình luận (0)