Theo TS Thịnh, dầu khoáng (mineral oil) - thành phần chính của các gói dung dịch trong áo ngực là một loại dầu mỏ được sử dụng trong nhiều ngành sản xuất và đời sống như bôi trơn xe đạp, động cơ xe máy… “Nếu chẳng may túi dầu này vỡ cũng không nguy hiểm đến tính mạng người sử dụng vì nó chỉ tác động trên da chứ không thể xâm nhập đường tiêu hóa hay máu” - TS Thịnh nói.
Trong khi đó, polystyrene tìm thấy trong các viên hình cầu là loại nhựa không màu nhưng dễ tạo màu, hình thức đẹp, dễ gia công bằng phương pháp ép và ép phun. Polystyrene có thể tái chế trong nhiều lĩnh vực. Đây là thành phần chính để sản xuất các hộp xốp đựng thực phẩm. “Việc nhà sản xuất sử dụng những thành phần này trong áo ngực phụ nữ có thể vì giá thành của chúng rất rẻ” - TS Thành nhận định.
Tuy nhiên, TS Hoàng Văn Hoan, Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam, lại cho rằng đã là hóa chất, nếu tiếp xúc thường xuyên chắc chắn sẽ có hại cho cơ thể. Mức nguy hại tùy thuộc vào liều lượng và cách tiếp xúc của người sử dụng. Hiện dầu khoáng chủ yếu được sử dụng trong công nghiệp.
Theo PGS-TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), việc xác định chất lạ là dầu khoáng cũng chưa đủ mà cần phải làm rõ dầu khoáng này là loại nào. Dầu khoáng có đến hàng trăm loại, có loại sử dụng trong y tế, sản xuất mỹ phẩm làm đẹp nhưng cũng có loại chỉ là chất thải.
Chiều cùng ngày, ông Lê Cần, Chi cục phó Chi cục QLTT tỉnh Quảng Nam, cho biết sau khi nhận được kết quả xét nghiệm chất lạ trong áo ngực Trung Quốc của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2, chi cục đã yêu cầu Sở Y tế Quảng Nam xác định những chất này có ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng hay không.
Bình luận (0)