Không dễ xử phạt
Điều mọi người lo lắng nhất và truyền thông tin cho nhau với tốc độ chóng mặt là việc có thể bị xử phạt rất nặng nếu điều khiển xe (ô tô và xe máy) không chính chủ.
Nghị định 71 quy định khi mua bán, trao đổi, chuyển nhượng mà không làm thủ tục sang tên, đổi chủ sẽ bị phạt 6-10 triệu đồng/ô tô và 1 triệu đồng/xe máy. Trả lời báo chí về kế hoạch ra quân xử phạt nghiêm lỗi vi phạm này, thượng tá Nguyễn Kim Hải, phụ trách Phòng Hướng dẫn tổ chức tuần tra, kiểm soát giao thông - Cục CSGT đường bộ, đường sắt (C67 - Bộ Công an), cho biết PC67 Hà Nội đã giải thích chưa đúng với tinh thần của Nghị định 71 và Thông tư 36/2010 về đăng ký xe của Bộ Công an.
Ảnh: TUẤN NGUYỄN
Theo ông Hải, người điều khiển xe mượn không bị xử phạt và không phải có giấy ủy quyền. Theo Thông tư 36, trong thời gian 30 ngày, người bán xe phải gửi thông báo tới cơ quan quản lý phương tiện về việc thay đổi quyền sở hữu xe để CSGT nắm được và tránh gặp phải những rắc rối về sau (như việc gây tai nạn). Trong khoảng thời gian này, người mua cũng phải làm ngay thủ tục sang tên đổi chủ để bảo đảm quyền lợi của mình. Khi tuần tra trên đường, CSGT phát hiện xe chưa làm thủ tục thay đổi chủ sở hữu (quá thời hạn 30 ngày sau khi mua bán) mới xử phạt.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng C67, cho biết nguyên tắc khi mua bán xe là phải nộp thuế rồi mới đi đăng ký. Trong trường hợp mua bán xe nhiều lần, qua nhiều đời chủ khác nhau mà chưa sang tên đổi chủ thì sẽ không được lưu hành, nếu lưu hành có thể sẽ bị phạt. Ông Tuyên cũng cho biết người dân nếu sử dụng xe mượn cũng cần phải trình bày rõ ràng để lực lượng CSGT hiểu và không xử phạt. Theo ông Hải, quy định này không mới vì đã có từ năm 2001 và phải liên tục điều chỉnh mức phạt nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, răn đe.
“Không dễ xử phạt nếu người sử dụng xe được mua bán viết giấy trao tay cứ khăng khăng đó là xe mượn của người thân. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định này sẽ được hướng dẫn kỹ trong thông tư sắp tới. Tôi đang làm văn bản trình lãnh đạo C67 duyệt để gửi lực lượng CSGT cả nước giải thích rõ về quy định này, tránh việc xử phạt không đúng hoặc hiểu nhầm như Hà Nội vừa rồi” - ông Hải nói.
Không tăng phạt để tăng nguồn thu
Nghị định 71 tăng mức xử phạt đối với nhiều nhóm hành vi vi phạm giao thông như: điều khiển xe chạy quá tốc độ cho phép; điều khiển xe mà trong người có nồng độ cồn và chở người quá quy định... Người điều khiển ô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định cho phép sẽ chịu mức phạt gấp 2-4 lần trước đây. Bên cạnh đó, một số hành vi vi phạm chưa được quy định trước đây như điều khiển xe không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; sử dụng còi vượt quá âm lượng theo quy định... cũng được bổ sung và xử phạt nặng.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, từ năm 2010 đến 2012, Bộ Công an và Bộ GTVT đã cùng xây dựng, sửa nghị định xử phạt vi phạm giao thông tới 3 lần và luôn đề xuất nâng mức xử phạt gấp nhiều lần. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề chưa được chú ý như việc chỉ xử phạt tài xế mà chưa chú ý tới trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp vận tải; chưa chú ý tới trách nhiệm của chính quyền địa phương nơi hình thành bến “cóc” khiến nảy sinh tình trạng xe dù… “Tôi thấy việc nâng mức phạt rất cao và quy định quản lý tiền phạt như hiện tại sẽ tiếp tục khiến CSGT các địa phương “chăm chỉ” xử phạt nhiều hơn để tạo nguồn thu” - ông Hùng nói.
Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính quy định 100% số tiền thu được từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông được điều tiết cho ngân sách địa phương. Trong đó, có tới 70% được trích cho lực lượng công an tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông; 10% cho lực lượng thanh tra giao thông vận tải; 10% cho Ban An toàn giao thông và 10% cho các lực lượng khác.
Theo ông Đặng Đình Luyến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, việc thu, nộp và sử dụng tiền phạt vi phạm giao thông hiện không phù hợp với các quy định của pháp luật, đặc biệt là Luật Ngân sách Nhà nước. Mới đây, Ủy ban Pháp luật đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính sửa đổi quy định này để phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 1-7-2013.
Tuy nhiên, một lãnh đạo C67 cho biết việc phạt nặng nhằm tăng tính răn đe vi phạm, không có chuyện xử nặng để thu được nhiều tiền hơn. “Nếu thấy trích lại tiền phạt như thế gây dư luận không tốt thì Bộ Tài chính có thể xem xét, điều chỉnh. Riêng việc xử phạt cao ở khu vực nội thành các TP trên cả nước đều đã được các địa phương đồng ý sau khi thấy áp dụng ở Hà Nội và TPHCM hiệu quả” - vị này nói.
10 năm, hơn 120.000 người chết vì tai nạn giao thông
Ngày 10-11, hàng ngàn người đã tới Học viện Phật giáo Việt Nam (Hà Nội) dự đại lễ cầu siêu cho các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông, do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp thực hiện. Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, đây là dịp để mọi người bày tỏ niềm thương xót đối với những người xấu số khi tham gia giao thông và chia sẻ mất mát với người thân của họ, nhắc nhở bản thân chủ động góp phần tạo ra một môi trường giao thông an toàn. Mười năm qua, cả nước có hơn 120.000 người chết vì tai nạn giao thông và bình quân mỗi năm mất khoảng 40.000 tỉ đồng để khắc phục hậu quả. |
Bình luận (0)