Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hiệp cho biết đêm nay (19-11), Ủy ban An toàn giao thông quốc gia sẽ tổ chức lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông (TNGT) tại Cung Thể thao Quần Ngựa (Hà Nội). Đây là hoạt động nhằm hưởng ứng ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT tại Việt Nam và thực hiện chương trình Thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2011-2020 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Ngoài lãnh đạo các bộ - ngành, còn có sự tham dự của gia đình một số nạn nhân đã thiệt mạng hoặc bị thương trong các vụ TNGT.
Đẩy mạnh tuyên truyền
“Tôi mới đọc loạt bài trên Báo Người Lao Động về nỗi đau xót, lụn bại của các gia đình có người thân tử vong vì TNGT và thực sự bồi hồi khi bài báo có nhắc tới câu chuyện thương tâm của một gia đình ở Đắk Lắk mà tôi cùng đoàn công tác đã từng tới thăm hỏi, động viên. Chúng ta đang có quá nhiều mảnh đời, gia đình như thế và phải làm sao để tuyên truyền, giáo dục, giúp người dân thấy được TNGT đáng sợ thế nào mà phòng tránh” - ông Hiệp nói.
Một vụ tai nạn giao thông xảy ra ở quận 2 - TPHCM vào ngày 18-11 làm 2 mẹ con tử vong.
Bên cạnh đó, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng phối hợp với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức lễ cầu siêu cho các nạn nhân tử vong do TNGT; phối hợp với Bộ GD-ĐT triển khai chương trình 1 phút tưởng niệm nạn nhân tử vong vì TNGT vào lễ chào cờ sáng thứ hai ngày 12-11… “Có thể khẳng định rằng chưa khi nào các hoạt động tuyên truyền về giao thông rầm rộ như tháng vừa qua. Chúng tôi muốn đưa một thông điệp đến xã hội: Hãy tưởng nhớ những người đã mất và hãy hành động vì những người đang sống. Thực tế, dư luận nhân dân và truyền thông báo chí đang rất ủng hộ chương trình của chúng tôi” - ông Hiệp cho biết.
Không có chuyện “đầu voi, đuôi chuột”
Ông Hiệp khẳng định chương trình tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT đã và sẽ tiếp tục có sức lan tỏa, không có chuyện “đầu voi, đuôi chuột” hay chỉ phát động kiểu phong trào mà thiếu tính thực tế. “Phải khẳng định rằng trách nhiệm về trật tự, bảo đảm an toàn giao thông, xã hội tham gia giao thông có văn hóa là của cả cộng đồng chứ không riêng ai. Vì thế, mỗi người phải có trách nhiệm tuyên truyền việc chấp hành luật lệ giao thông tới những người xung quanh” - ông Hiệp nói.
Mất 40.000 tỉ đồng/năm để khắc phục hậu quả Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy 10 năm qua, đã có hơn 120.000 người chết vì TNGT. Bình quân mỗi năm có hơn 11.000 người chết, mỗi ngày có 30 gia đình mất người thân và 200 gia đình chịu tổn thất về vật chất và tinh thần do TNGT để lại. Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, những di chứng sau mỗi vụ TNGT để lại luôn kéo dài và khiến xã hội bị tổn thương nghiêm trọng. Tính ra, nước ta mất khoảng 2 tỉ USD/năm (tương đương 40.000 tỉ đồng) để khắc phục hậu quả TNGT. Số tiền này, nếu đem đi xây dựng các công trình xã hội thì có thể đủ cho 10 bệnh viện đạt cấp tỉnh, 1.123 trường học, 6.400 căn nhà tình nghĩa trên cả nước. “Điều đó thực sự đã và đang đe dọa đến những thành quả của tăng trưởng kinh tế, đồng thời làm ảnh hưởng đến hình ảnh một đất nước an toàn trong mắt bạn bè, đối tác quốc tế” - Bộ trưởng Đinh La Thăng nói. Ông cho rằng bằng nhiều hành động mạnh mẽ, thông qua các chính sách quốc gia và cam kết xã hội, Việt Nam đang làm mọi cách để giảm số vụ TNGT, kèm theo đó là giảm thiểu số người chết và bị thương. |
Bình luận (0)