Ngày 19-11, Quốc hội bước vào phiên thảo luận dự án Luật Đất đai (sửa đổi) với nhiều góp ý của đại biểu đi thẳng vào vấn đề bức xúc trong lĩnh vực đất đai hiện nay đó là “dễ dãi” thu hồi đất của dân.
Đại biểu Lê Trọng Sang, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh-Xã hội TPHCM, đi thẳng vào tồn tại gây nhiều bức xúc trong đời sống xã hội hiện nay là khiếu tố về đất đai chiếm tỷ lệ lớn. Ông Sang nhìn nhận, việc bồi thường khi giải phóng mặt bằng không chỉ tính mỗi việc đảm bảo được tài sản cho người dân mà còn phải tính đúng, tính đủ về sinh kế của họ trước khi phải di dời.
Ông Sang phân tích, việc bồi thường cho người dân khi xác định giá đất cần xác định rõ chỉ là một phần trong tổng số tiền cần bồi thường cho dân và điều này cần quy định rõ trong luật, tránh dùng các khái niệm như “hỗ trợ” có tính chất như mang ban ơn hay “xem xét” dường như là không chắc chắn.
“Quy tắc, phương pháp định giá đất cần được rà soát quy định lại, vì thực tế bảng giá đất của các địa phương chỉ bằng 30-60% giá thị trường. Trong khi tại Hà Nội và TPHCM giá đất đã kịch khung Chính phủ là 81 triệu đồng/m², nhưng so với thực tế giao dịch ngoài thị trường thì có nơi lên tới vài trăm triệu đồng/m2” - ông Sang nhìn nhận.
Tán đồng với ý kiến của đa số đại biểu cho rằng không nên áp dụng việc nhà đầu tư tự thỏa thuận với dân trong thu hồi đấy, đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai) đề nghị nên linh hoạt hơn đối với dự án sử dụng đất có quy mô nhỏ và vừa, dự luật nên cho phép nhà đầu tư tự thỏa thuận với dân, để giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng. "Tuy nhiên, phải trên cơ sở đồng thuận từ hai phía" - ông Thành nói.
Để phòng một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai là việc đo đạc, thống kê tài sản, hoa màu khi tính toán đền bù giải phóng mặt bằng, đồng thời thực tế tại cơ sở cũng cho thấy tiêu cực phát sinh khá phổ biến trong lĩnh vực này, đại biểu Lù Thị Lừu (Lào Cai) đề nghị dự luật bổ sung một điều về thẩm tra, giám sát kết quả đo đạc, thống kê trước khi chi trả đền bù.
Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến cũng góp ý dự luật cần quy định chặt chẽ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đaị biểu Danh Út (Kiên Giang) nêu quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã rất quan trọng, đây là cấp quản lý trực tiếp nhưng rất khó hiểu khi dự luật lại bỏ nội dung này.
Bên cạnh đó cần có sự phối hợp giữa các bên, các địa phương để quy hoạch có tính liên vùng, tận dụng được kết cấu hạ tầng của các địa phương, tránh xung đột quan điểm phát triển.
Về hạn mức giao đất nông nghiệp và thời hạn giao đất, đa số ý kiến đồng tình như dự thảo. Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) cho biết, với đặc thù của ĐBSCL nên để hạn mức giao đất nông nghiệp tối đa là 5 ha; hạn mức nhận chuyển nhượng tối đa là 50 ha.
Về nguyên tắc hài hòa các lợi ích 3 bên theo dự luật là nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Về xác định giá đất được nhiều ý kiến ủng hộ, theo đó Chính phủ sẽ ban hành khung giá, UBND cấp tỉnh ban hành bảng giá đất cụ thể trên địa bàn, có hiệu lực 5 năm; khi giá trên thị trường biến động từ 20% trở lên, cấp có thẩm quyền sẽ xem xét điều chỉnh bảng giá… Một số ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở để xác định có biến động giá từ 20% trở lên.
Ngược lại với quan điểm của nhiều đại biểu, đại biểu Mai Hữu Tín (Bình Dương) lại có đề nghị khá táo bạo là dự luật nên cân nhắc quyền tiên mãi của Nhà nước vì có thể dẫn đến người dân bị ép giá.
“Tại sao người sử dụng đất không được tổ chức đấu giá, nhà nước muốn mua thì tham gia đấu giá? Nhà nước không nên giữ quyền tổ chức đấu giá mà chỉ quản lý bằng quy hoạch là đủ” – ông Tín đề nghị.
Ông Tín cho rằng, đất để lâu không sử dụng quá thời hạn quy định theo Luật mà thu hồi không đền bù chi phí cũng không hoàn toàn hợp lý, vì người sử dụng đất có thể gặp khó khăn khách quan. Do vậy cần đánh thuế cao với đất chưa sử dụng chứ không nên thu hồi không bồi hoàn, trừ một số trường hợp rất đặc biệt.
Bình luận (0)