xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Chiếc áo” đã quá chật

QUÝ HIỀN

Mô hình tổ chức bộ máy của TPHCM không còn phù hợp đã kéo theo nhiều bất cập khác trong công tác quản lý, điều hành

Xuất phát từ thực tế mô hình tổ chức bộ máy không được xây dựng trên các đặc trưng của đô thị nên bộ máy chính quyền TPHCM không còn phù hợp. Không chỉ quá tải về giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, “chiếc áo” quá chật của TP còn kéo theo nhiều bất cập khác như công tác quản lý, điều hành ở các cấp bị hạn chế, thiếu tính chủ động trong giải quyết các sự việc phát sinh và quan trọng hơn là kìm hãm sự phát triển của một TP lớn nhất và đi đầu cả nước.
 
img
Việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân ở TPHCM thường rơi vào tình trạng quá tải
Ảnh: TẤN THẠNH

Trên có gì, dưới có nấy

Đó là nhận định của ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, khi nói về công việc hiện nay của cơ quan hành chính địa phương là UBND phường, xã, thị trấn. Ông Trung dẫn chứng: “Thực tế UBND phường, xã làm không thiếu việc gì. Quản lý đô thị, nhà đất cũng dính, trật tự giao thông đến tiếp dân đều phải làm. Nói chung phải làm tất cả những việc mà cấp TP cũng như quận, huyện làm”. Theo ông Trung, bộ máy cấp phường, xã, thị trấn đang ngày càng phình ra, nhất là ở các khu vực ngoại thành đô thị hóa. Thậm chí có nơi phường, xã làm không hết việc còn giao bớt cho ban điều hành khu phố hay tổ nhân dân … “Trước đây, một UBND xã chỉ 20 cán bộ công chức, nay có nơi lên đến 45 người nhưng dường như càng làm càng quá tải mà hiệu quả lại không cao” - ông Trung nhìn nhận.

Qua thống kê, hiện trên địa bàn TP có không ít xã ở các huyện ngoại thành có dân số trên 70.000 người (xã Bình Hưng, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B thuộc huyện Bình Chánh), quy mô, tính chất địa bàn như một phường hoàn chỉnh nhưng bộ máy, nhân sự  và cơ chế chính sách quản lý vẫn chỉ là một xã. Bên cạnh đó, hầu hết các quận ven của TPHCM có dân số bình quân trên nửa triệu dân, tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng bộ máy, biên chế chưa có chính sách đặc thù nên công tác quản lý Nhà nước các cấp luôn bị quá tải trên nhiều lĩnh vực. Đây chính là bất cập lớn khiến công tác giải quyết thủ tục hành chính, quản lý địa bàn dân cư, vấn đề an ninh trật tự bị ảnh hưởng.

Với những bất cập này, ông Trung cho rằng nếu áp dụng mô hình chính quyền đô thị thì lúc đó thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính cho người dân sẽ thuộc về UBND quận, huyện; còn UBND phường, xã có thể chỉ quản lý đơn thuần về dân cư.

Cùng sự quá tải của chính quyền địa phương, ông Trung cũng nêu lên một số bất cập xung quanh chức năng, nhiệm vụ của các sở, ngành TP: “Lâu nay, gần như sở, ngành chỉ làm công việc tham mưu, báo cáo, xin ý kiến lãnh đạo TP chứ không có chức năng chỉ đạo, điều hành và quyết định vấn đề. Như vậy, lãnh đạo các sở, ngành sẽ không được tự chủ, tự chịu trách nhiệm và trách nhiệm cũng không được rõ ràng. Về phía TP, vì phải giải quyết sự vụ cụ thể nên hội họp quá nhiều, dẫn đến quá tải. Nếu thực hiện mô hình chính quyền đô thị thì sẽ phân cấp mạnh hơn cho các sở, ngành”.

Cần quy định trong Hiến pháp

Theo bà Lê Thị Bình Minh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP, hiện quy định pháp luật hiện hành về tổ chức chính quyền địa phương chưa có sự phân biệt quản lý Nhà nước giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Tất cả dù đô thị hay nông thôn, đô thị loại nào, nông thôn loại nào cũng đều mặc chung một cỡ áo. Thực tế, tại TPHCM đối với địa bàn đã đô thị hóa thì cư dân ổn định, trình độ dân trí cao, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương đối hoàn chỉnh. Trong khi đó, địa bàn đang đô thị hóa và khu vực nông thôn trong đô thị lại trong quá trình quy hoạch, xây dựng, chỉnh trang đô thị, dân số cơ học tăng nhanh, trình độ dân trí không đồng đều… nên bên cạnh mô hình chính quyền đô thị cũng cần có mô hình chính quyền nông thôn cho phù hợp.

Bà Minh cho rằng tổ chức chính quyền theo quy định hiện hành phân thành thang bậc trên dưới theo cơ chế hành chính nên cứng nhắc, thiếu linh hoạt, thậm chí rập khuôn, do đó không phù hợp với tính đa dạng của các địa phương và của đơn vị hành chính.

Theo ông Lê Hoài Trung,  mục đích tiến đến của mô hình chính quyền đô thị là việc gì cấp Trung ương làm thì cấp tỉnh, TP không làm, hay cấp TP làm thì cấp quận, huyện không làm và cuối cùng cấp phường, xã chỉ giải quyết những công việc mà quận-huyện không làm. “Để mô hình chính quyền đô thị đi vào cuộc sống thì  điều khoản “chính quyền đô thị” phải được quy định trong Hiến pháp sửa đổi. Từ quy định trong Hiến pháp sẽ có một luật định về chính quyền địa phương” - ông Trung đề nghị.
 

“Để theo kịp thực tiễn và thực tế đang diễn ra, TPHCM đã chủ động đưa ra một số quy định pháp luật liên quan đến việc quản lý, xử phạt hành chính được xem là “vượt rào”, thậm chí còn bị Trung ương “thổi còi”. Chính vì không có một luật tổ chức chính quyền đô thị nên TP đụng đâu vướng đó!” - bà Lê Thị Bình Minh nói.

 

Cần phân cấp mạnh

Theo ông Lê Hoài Trung, để mô hình chính quyền đô thị thực sự hiệu quả thì Trung ương cần phân cấp cho TPHCM một số cơ chế về tự chủ tài chính, chính sách về biên chế và chế độ cho cán bộ công chức, vấn đề đầu tư, phát triển hạ tầng... Ngoài ra, Trung ương cũng mạnh dạn phân cấp cho TP trong việc ban hành một số quy định pháp luật để quản lý tình hình thực tế trên địa bàn, tất nhiên những quy định này không trái luật. Đơn cử như tăng mức xử phạt một số hành vi vi phạm hành chính phù hợp với đặc thù của đô thị...

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 5-3

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo