Ngày 6-3, thêm 7 ca mắc hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân (hay bệnh “lạ”) được phát hiện ở xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà và xã Ba Điền, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi), nâng số trường hợp mắc bệnh từ đầu năm đến nay lên 12 người.
“Cúng ma mới hết” !
Năm ngoái, bà Soi cũng bị bệnh và phải đi điều trị tại Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa (Bình Định). Nhắc đến chuyện đó, bà Soi sợ hãi: “Đừng đưa tôi đi nữa, cho tôi về. Ở nhà bây giờ chỉ có ông già (chồng bà Soi - PV), còn thằng rể đã đi lấy vợ khác”. Khi chúng tôi hỏi: “Vì sao bà không muốn đi điều trị?”, bà Soi bật khóc: “Xuống cũng có được gì đâu? Cán bộ nói xuống đó sẽ hết bệnh nhưng tôi vẫn bệnh hoài. Đàn trâu ở nhà không cỏ ăn sẽ chết”.
“Đừng nói đến dân, làm chính quyền như mình, thấy bệnh quay lại cũng thấy sợ rồi. Trước đây, xã tổ chức tuyên truyền người dân đi khám, xét nghiệm nhiều lần. Giờ bệnh quay lại, nói lấy máu xét nghiệm, họ đều lắc đầu. Lòng tin bà con bị bào mòn rồi”- ông Phạm Văn Bút, Chủ tịch UBND xã Ba Điền, nói.
Trong khi đó, hai trường hợp phát bệnh “lạ” đầu tiên trong năm nay là ông Đinh Văn Hoang và bà Đinh Thị Lơ (ở huyện Sơn Hà) đã trốn viện khi đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi. “Cán bộ nói điều trị sẽ hết bệnh nhưng mãi có hết đâu. Trở về làng cúng ma mới hết…” - vợ chồng ông Hoang cho biết. Ngay trong đêm 5-3, vợ chồng ông cùng người dân đã dựng mâm cỗ, cúng “ma” giữa làng Kà Khu.
Đừng đổ cho gạo ủ, gạo mốc!
Ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho rằng dù tác nhân gây bệnh cụ thể chưa phát hiện nhưng nguyên nhân bắt nguồn từ việc nhiễm độc tố nấm. Các xét nghiệm trước đây cho thấy trong lúa ủ, gạo ủ có nhiều loại nấm mốc và aflatoxin. Aflatoxin là một tác nhân gây suy gan, suy giảm hệ thống miễn dịch, gan nhiễm mỡ, hoại tử tế bào nhu mô gan và có thể gây ung thư gan.
“Việc sử dụng lâu dài gạo nhiễm vi nấm độc sẽ gây hại cho gan mà biểu hiện bên ngoài là dày sừng lòng bàn tay, bàn chân” - ông Bình nhận định. Ngoài ra, bệnh “lạ” nhiều khả năng liên quan đến nguyên nhân nhiễm độc trên người có tình trạng dinh dưỡng kém và thiếu một số yếu tố vi lượng. “Thời gian qua, những bệnh nhân bị bệnh “lạ” sau khi được điều trị, chăm sóc, truyền dịch, bổ sung các vitamin, sức khỏe đã hồi phục. Hiện một đoàn công tác của Bộ Y tế đang ở Quảng Ngãi điều tra các ca bệnh nghi ngờ thời gian qua. Đồng thời, đề nghị địa phương tăng cường vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước và cung cấp gạo sạch cho người dân sử dụng” - ông Bình nói.
Tuy nhiên, ông Lê Hàn Phong, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, nhận định: “Thời gian qua, người dân không còn ăn gạo mốc, gạo ủ nữa. Thậm chí, lúa gạo ở làng Rêu trồng được cũng giống như tại đồng bằng, còn ngon hơn… nhưng sao bệnh vẫn quay lại? Ngành y tế cần xem lại, đừng “đổ” cho gạo mốc, gạo ủ nữa!”.
“Đừng phủi công ngành y tế” ! Theo một chuyên gia y tế, việc coi khống chế bệnh “lạ” là thành tựu của ngành y tế trong năm 2012 là không sai. “Đúng là chưa tìm ra nguyên nhân chính gây bệnh nhưng cũng không nên phủi công của những người làm công tác chuyên môn, bởi ít nhất, ngành y tế đã bảo vệ tính mạng người dân trong thời điểm căn bệnh gây không ít hoang mang, lo lắng cho dư luận” - chuyên gia này nói. Theo đại diện Cục Y tế dự phòng, việc đưa vào thành tựu ngành y tế năm 2012 là do khống chế bệnh “lạ” và không phải việc khống chế thành công thì bệnh không tái phát. Ông Phạm Viết Nho, Bí thư Huyện ủy Ba Tơ, cho rằng Bộ Y tế quá vội vàng khi nói đã đẩy lùi bệnh “lạ”. “Chưa tìm ra được nguyên nhân gây bệnh đã tuyên bố bệnh chấm dứt, đưa vào 1 trong 10 “thành tựu” làm các cấp và người dân chủ quan. Bây giờ bệnh quay lại, người được chữa khỏi thì lo lắng bệnh quay lại, người chưa mắc càng lo lắng hơn” - ông Nho nói. |
Bình luận (0)