Nhiều hộ dân thuộc diện giải tỏa trong dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm chưa di dời vì cho rằng đơn giá đền bù chưa hợp lý
Rắc rối đền bù
Nhiều người dân phản ánh: Cơ quan chức năng đền bù giá đất không nhất quán. Cụ thể, cùng một con đường nhưng giá đất ở phường 7 và phường 8 lại chênh lệch nhau tới 4 triệu đồng/m2. Nhiều khu đất được đền bù không sát với diện tích đã kê khai.
Chẳng hạn, theo tờ đăng ký nhà đất năm 1999, thửa đất của bà Nguyễn Thị Đặng (ngụ số 56B Lò Gốm, phường 8, quận 6) có diện tích 71 m2 nhưng chỉ được bồi thường 28,7 m2. Gần đó là nhà bà N.T.Đ, trong bảng kê khai năm 1999 chỉ có 48 m2 nhưng lại được đền bù với diện tích hơn 55 m2. Một hộ dân khác có diện tích chưa đến 90 m2 nhưng được đền bù tới gần 105 m2. Những bất hợp lý trên khiến nhiều người khác bất bình...
Đa số các hộ dân thuộc diện bị thu hồi đất đều không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà chỉ dựa vào tờ đăng ký nhà đất đã được công chứng để nhận đền bù. Ông Phạm Đức Thịnh, Phó trưởng Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng quận 6, cho biết toàn quận có 1.179 hộ dân bị thu hồi đất. UBND quận 6 thuê một đơn vị đo đạc độc lập rồi căn cứ vào hiện trạng đất để bồi thường cho người dân. Đơn vị xác định nguồn gốc của từng diện tích đất được bồi thường, hỗ trợ là UBND phường.
Theo ông Thịnh, tờ kê khai đăng ký nhà đất năm 1999 chỉ để tham khảo vì không có giá trị pháp lý! Vào thời điểm kê khai năm 1999, nhiều hộ dân kê khai thấp hơn diện tích thực để đóng thuế ít, vì thế mới xảy ra tình trạng một số hộ có diện tích trong tờ kê khai thấp nhưng được hưởng đền bù nhiều.
Người dân bế tắc
Sau khi nhận tiền đền bù, người dân bị thu hồi đất được bố trí tái định cư tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh - TPHCM nhưng nơi ở mới này đã không thuận lợi cho họ sinh sống. Thu nhập chính của nhiều hộ là buôn bán nhỏ nhưng đến nơi ở mới thì dân cư thưa thớt, không thể kinh doanh được nên lại dọn về nơi ở cũ và thuê nhà để buôn bán.
Bà Nguyễn Thị Bông (ngụ phường 8, quận 6) cho biết: Gia đình bà có 14 người nhưng chỉ được mua một nền đất 60 m2 với giá hơn 400 triệu đồng. Nơi ở mới này không đủ chỗ cho chừng ấy con người. Thời gian xây nhà khoảng 4 tháng, chi phí đi lại từ quận 6 về huyện Bình Chánh cũng tiêu tốn gần hết số tiền hỗ trợ di dời. “Con cháu quay về phường 8, quận 6 thuê nhà mỗi tháng mất 6 triệu đồng để buôn bán chứ ở đây thì lấy gì mà ăn” - bà Bông bức xúc.
Cùng chung cảnh ngộ, bà Võ Thị Thu Tâm (ngụ số 44B Lò Gốm, phường 8, quận 6) sau khi bị thu hồi đất thì gia đình ly tán vì kinh tế khó khăn. “Dạo trước, cả nhà cùng đi làm nên thu nhập cũng ổn định, con cháu được học hành tử tế nhưng đến nơi ở mới (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) thì bế tắc vì không có việc làm” - bà Tâm ngao ngán. Hơn 15 người không thể ở trong căn nhà tái định cư khá chật chội. “Khi di dời, chúng tôi được hứa hẹn sẽ được vay vốn làm ăn nhưng đến giờ vẫn chưa có đồng nào” - bà Tâm nói.
Chuẩn bị cưỡng chế Đến nay, nhiều người dân bị thu hồi đất tại dự án này cho rằng giá đền bù không hợp lý nên chưa chịu di dời. UBND quận 6 đã có quyết định cưỡng chế gửi lên UBND TPHCM xin ý kiến. Theo ông Phạm Đức Thịnh, đa số hộ dân chưa chịu di dời là ở phường 7. Nguyên nhân là do phường 7 và phường 8 nằm cách nhau một con đường nhưng đơn giá bồi thường ở 2 phường lại khác nhau, có khi 2 nhà cạnh nhau nhưng giá cũng khác nhau nên người dân bức xúc. |
Bình luận (0)