Liên bộ Công an - Tư pháp - Ngoại giao - VKSND Tối cao và TAND Tối cao vừa ban hành Thông tư 01/2013 (có hiệu lực từ ngày 15-4) hướng dẫn việc tiếp nhận, chuyển giao, tiếp tục thi hành án đối với người đang chấp hành án phạt tù. Theo đó, công dân Việt Nam phạm tội và bị kết án phạt tù chung thân hoặc tù có thời hạn tại nước ngoài có nguyện vọng được chuyển giao về Việt Nam để tiếp tục chấp hành hình phạt còn lại thì có thể làm đơn (hoặc thông qua người đại diện hợp pháp) trình bày nguyện vọng với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc Bộ Công an, cơ quan đại diện Việt Nam.
Điều kiện để được chuyển giao về Việt Nam
Đối với người nước ngoài đang chấp hành án tại các cơ sở giam giữ do Bộ Công an quản lý, hằng năm, Bộ Công an thực hiện thông báo cho người đang chấp hành án phạt tù biết về quyền được chuyển giao để họ nghiên cứu, đề xuất. Khi tuyên bản án và hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, TAND đã xét xử sơ thẩm, phúc thẩm có trách nhiệm thông báo cho bị cáo là các đối tượng đáp ứng đủ các yêu cầu biết về quyền được yêu cầu chuyển giao.
Theo một thành viên ban soạn thảo, Thông tư 01 nhằm hướng dẫn rõ ràng hơn quy định nêu trong Luật Tương trợ tư pháp. Việc này phù hợp với Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Nguyên tắc “có đi có lại”
Trường hợp Bộ Công an nhận được đề nghị tiếp nhận, chuyển giao của phía nước ngoài mà giữa Việt Nam và nước đó chưa có điều ước quốc tế liên quan đến tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, chưa có thỏa thuận hoặc tiền lệ về việc áp dụng nguyên tắc “có đi có lại” thì Bộ Công an có văn bản kèm theo hồ sơ đề nghị Bộ Ngoại giao phối hợp với các Bộ Tư pháp, TAND Tối cao, VKSND Tối cao xem xét, áp dụng nguyên tắc “có đi có lại”. Trong văn bản phải nêu rõ ý kiến của Bộ Công an về sự cần thiết áp dụng nguyên tắc này và sự phù hợp với quy định tại Luật Tương trợ tư pháp.
Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng phía Việt Nam sẽ nghiên cứu để có thể tiếp tục ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp với các nước trên thế giới nhằm cùng giúp nhau giải quyết các vụ việc mang tính xuyên quốc gia.
Khó THA khi người nước ngoài không có tiền Thông tin từ Tổng cục Thi hành án (THA) dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết thời gian qua đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải quyết đối với những trường hợp người nước ngoài phạm tội đã thi hành xong bản án hình sự nhưng không có tiền, tài sản để thi hành bản án dân sự, vì vậy họ chưa đáp ứng đủ yêu cầu để rời khỏi nơi tạm giam. Tổng cục THA hình sự và hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII - Bộ Công an), Bộ Ngoại giao và Tổng cục THA dân sự đã họp nhiều lần để tìm biện pháp giải quyết nhưng trước mắt chỉ giải quyết được cho những trường hợp người nước ngoài có sự bảo lãnh, giúp đỡ từ phía Đại sứ quán nước họ tại Việt Nam. |
Bình luận (0)