xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tiếng Việt lai tạp

DƯƠNG QUANG

Tiếng nước ngoài đang được sử dụng rất “mất trật tự” trong văn nói lẫn văn viết tiếng Việt, làm dấy lên nỗi lo về nguy cơ bị vẩn đục, thậm chí mất gốc tiếng mẹ đẻ. Thực tế đúng như vậy song tình hình sẽ không trở nên trầm trọng hơn nếu chúng ta có định hướng đúng

Mới đây, 3 học sinh Phan Hầu Mỹ Ngọc, Võ Thảo Vy và Phan Ngọc Linh (lớp 11A2 Trường THPT Trần Khai Nguyên, quận 5 - TPHCM) đã được trao giải A hội thi Học sinh nghiên cứu khoa học 2012-2013 do Sở GD-ĐT TP tổ chức với đề tài “Việc lạm dụng tiếng nước ngoài trong tiếng Việt”. Nhóm đã thực hiện khảo sát xã hội học với đối tượng chính là học sinh, qua đó chỉ ra hiện trạng lạm dụng tiếng nước ngoài (chủ yếu là tiếng Anh) trong giao tiếp và hành văn đến mức báo động, đồng thời cảnh báo: Phải có giải pháp giáo dục phù hợp, kẻo tiếng Việt bị méo mó, lai tạp và về lâu dài sẽ mất gốc.

Thảm họa từ trực quan sinh động

Với mục tiêu “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” vốn được kêu gọi như trước nay, cảnh báo của nhóm học sinh nói trên là cần thiết. Trong môi trường chuẩn mực như sư phạm, nói đúng và viết trúng lại càng quan trọng. Tuy nhiên, đó cũng là thách thức rất lớn bởi giờ đây, trong mọi hoàn cảnh giao tiếp và môi trường làm việc..., tiếng nước ngoài được “chèn” vào tiếng Việt một cách vô tội vạ, đáng lo hơn khi nhiều người xem đó là mốt.
 

img

Một đường phố ở quận 1 - TPHCM đầy biển hiệu tiếng nước ngoài. Ảnh: QUỐC THẮNG
Nhiều và có ảnh hưởng lớn nhất là các phương tiện truyền thông. Người ta ngày càng muốn “Tây hóa” những từ vốn đã rất thông dụng trong tiếng Việt. Quen gặp là từ MC (“em-xi”, Master of Ceremonies). MC ra đời vào khoảng thế kỷ XV-XVI ở châu Âu, là danh từ chỉ người chủ tế của những chương trình thánh lễ tại các nhà thờ Công giáo. Tại Việt Nam, khoảng trước năm 1995, hầu như chưa có từ MC. Từ năm 1996 về sau, các đài truyền hình, nhiều nhất là Đài Truyền hình Việt Nam, sản xuất nhiều chương trình trò chơi thì từ MC du nhập và dần thay thế hẳn cho từ “người dẫn chương trình” (truyền hình). Rồi về sau này, không chỉ trên truyền hình mà lễ khởi công, động thổ, cưới hỏi, ma chay, tiệc mừng thọ, sinh nhật, thôi nôi, đầy tháng..., người ta đều dùng “MC” thay cho “người dẫn chương trình” tuốt! So với nghĩa gốc, cái gọi là MC bây giờ khác một trời một vực, nhiều trường hợp dùng cốt chỉ vì sính ngoại!
 
img
Đầy rẫy biển hiệu “nửa Tây nửa ta” trên đường phố ở TPHCM. Ảnh: QUỐC THẮNG

Và cái cách những MC thời nay phát ngôn mới đáng sợ, nhất là ở các chương trình ca nhạc hay trò chơi trên sóng phát thanh và truyền hình. Chúng ta không ít lần nghe: “Hi (xin chào) tất cả các bạn. Hôm nay, idol (thần tượng) của chúng ta là những gương mặt tuổi teen (mới lớn) rất kute (cute - đáng yêu), sẽ biểu diễn phục vụ các fan (người hâm mộ) hết mình. Cổ vũ nồng nhiệt đi nào. Yeah yeah...!”. Thỉnh thoảng, các MC còn gào lên “wow” (ôi chao), “oh yeah” (thế á), “ok” (được), “good, good” (tốt)... để tăng hiệu ứng. Trong khi đó, nhiều người mới đi hát hay đóng phim cũng chọn “nghệ danh” cho mình theo kiểu nửa nạc nửa mỡ, như Nakun Nam Cường, Akira Phan, Nukan Trần Tùng Anh, Reno Bình, Hamlet Trương, Elly Trần, Angela Phương Trinh, Cường Seven, Chan Than San, Chi Pu... Hát hò, diễn xuất thì chưa bằng ai nhưng nghe tên thì cứ tưởng ở Hollywood về!

Khán thính giả trẻ rất dễ dung nạp những điều mới lạ. Từ hiện trạng đó, dễ hiểu vì sao một bộ phận không nhỏ bạn trẻ đã tiêm nhiễm bệnh sính từ ngoại.

Xa lạ, không giống ai

Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội, biến đổi song hành với sự phát triển của đời sống con người, trong đó có quá trình hội nhập quốc tế. Việc vay mượn nguyên trạng hay hòa kết giữa các ngôn ngữ là không thể tránh khỏi, nhất là giữa những quốc gia có quan hệ/ảnh hưởng văn hóa lẫn nhau.

Có đến hơn 70% từ vựng tiếng Việt là từ Hán Việt cùng một lượng từ không nhỏ vay mượn các tiếng khác, trong đó tiếng Pháp nhiều nhất (như: café - cà phê, savon - xà phòng, contrôleur - lơ (xe), plafond - la phông, la solde - bán xôn...). Đến bây giờ, sự vay mượn ấy vẫn tiếp diễn. Một là, theo sự phát triển tự nhiên của ngôn ngữ. Hai là, vì thói quen vọng ngoại chứ không phải vì tiếng Việt thiếu từ thay thế. GS-TS ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dân gọi hiện tượng dùng xen tiếng nước ngoài trong tiếng Việt là “lạ hóa tiếng Việt”, trong đó có kiểu dùng từ ngữ 3T (Ta - Tàu - Tây) lẫn lộn, kiểu như: “Say rượu rồi lại Livơphun (Liverpool) ra đấy hả?” (Say rượu rồi lại phun ra đấy hả?); “Còn nói nữa à, hôm nay tao “phiu chờ” (future) mày “đầu lâu” quá nên đi học vội vàng, bị liptông (Lipton) một phát vẫn chưa hết cay “chim cú” đây này” (Hôm nay tao chờ mày lâu quá nên đi học vội vàng, bị tông một phát vẫn chưa hết cay cú đây này). Một dạng tiếng Việt lai tạp không thể chấp nhận!

Thử rảo một vòng quanh các đô thị lớn, rất dễ thấy biển hiệu tiếng Tây tràn ngập, rất nhức mắt. Lĩnh vực nào, đẳng cấp nào cũng chèn tiếng Tây vào được, nào là “Kool dress” (Mặc đẹp), “Best uniform” (Đồng phục tốt nhất), “Catwalk for ladies” (Sàn diễn cho quý bà); có cả nửa Tây nửa ta, như “Điện thoại prồ”, “Hớt tóc chuẩn men”; “Trada Restaurant” (Quán trà đá), “Train Pho” (Phở xe lửa)...! Có tiệm làm đẹp trưng bảng “Professional” (Chuyên nghiệp), trên đó ở mục Waxing (Tẩy lông) có ghi: Full arms: 15$ - 1/2 arms: 10$; Full leg: 18$ - 1/2 leg 13$. Người biết tiếng Anh cũng chẳng hiểu vì sao có thể tẩy (lông) cả 2 tay (arms, số nhiều) còn đối với chân thì chỉ tẩy được 1 cái (leg, số ít)! Ví dụ như thế để thấy rằng sính từ ngoại vốn đã gây khó chịu, sính mà sai thì lại càng... trớt quớt!
 

Sính ngoại mà lại hay sai!

Gây hại hơn nữa là tình trạng những người có ảnh hưởng đến công chúng, như các MC, hay sính ngoại nhưng dùng sai từ hoặc phát âm sai, khiến người nghe cũng sai theo. Thường là khi gặp từ tiếng nước ngoài, các phát thanh viên lại đổi cách phiên âm hoặc đọc mỗi người một phách. Ví dụ, WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới) - đa số các đài phía Bắc đọc là “vê-kép tê ô”, Đài Truyền hình TPHCM đọc “đúp-liu tê ô”, còn các đài miền Tây Nam Bộ thì đọc “đúp-liu ti âu”. Cách phiên âm vừa Việt vừa Pháp vừa Anh quả chẳng giống ai, thật tội nghiệp cho người nghe! Có dạo, khi ông George W. Bush còn đương chức tổng thống Mỹ, có phát thanh viên đọc tên ông là Bu-sơ, có phát thanh viên nhấn trọng âm vào nguyên âm [u] phía trước, nghe rất phản cảm!

Kỳ tới: Giàu và phải đẹp

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo