Cử nhân Lê Văn Đ. (quê Hà Tĩnh) tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng
hơn 1 năm nhưng vẫn chưa tìm được việc đúng chuyên ngành Ảnh: BÍCH VÂN
Tình cảnh của những người trong cuộc đang hết sức bi đát khi sau hơn 4 năm dùi mài đèn sách, nhiều người phải bươn chải với đủ nghề tạm bợ mà vẫn không đủ sống. Vay mượn tiền bạc cho con ăn học, không ít gia đình nghèo khấp khởi hy vọng con cái sẽ giúp họ đổi đời nhưng rồi kết quả chỉ là tấm bằng ĐH bám bụi trong tủ.
Theo Sở LĐ-TB-XH TP Đà Nẵng, tại mỗi phiên giao dịch việc làm, nhu cầu tuyển dụng dành cho lao động phổ thông chiếm gần 70% còn cử nhân chỉ dao động ở mức 5%-10%, trong khi hơn 8 trường ĐH của TP này mỗi năm cho “ra lò” hàng chục ngàn cử nhân thì thất nghiệp là điều khó tránh. Vì thế mà một cán bộ Sở LĐ-TB-XH tỉnh An Giang khuyến cáo phụ huynh đừng chạy đua cho con thi vào ĐH nữa, chỉ cần học sơ cấp hoặc trung cấp nghề sẽ dễ có việc làm hơn.
Tại phiên trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận thẳng thắn thừa nhận một phần trách nhiệm của bộ khi chất lượng đào tạo chưa tốt, nhiều sinh viên không đáp ứng được yêu cầu của nơi tuyển dụng. Theo ông, cử nhân thất nghiệp quá nhiều vì quy mô, cơ cấu đào tạo của các trường ĐH, CĐ không khớp với nhu cầu của thị trường lao động; hệ thống quản lý lao động và việc làm ở cấp Trung ương không cung cấp thông tin dự báo nguồn nhân lực theo trình độ và ngành đào tạo trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, không đưa ra các cảnh báo kịp thời cho các nhà trường và xã hội. Do vậy, các trường ĐH, CĐ chỉ đào tạo những ngành trường có khả năng chứ không phải là ngành xã hội cần. Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường ĐH, CĐ, TCCN và các địa phương rà soát, thống kê tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp để có đánh giá xác thực nhằm định hướng lại khâu đào tạo.
Trong lúc chờ Bộ GD-ĐT cùng các bộ, ngành rà soát, đánh giá thì hàng trăm ngàn cử nhân đang bơ vơ trong xã hội với tâm trạng tự ti, bế tắc vì thất nghiệp và bị xem thường! Dù rằng ngành nghề nào cũng đáng quý nếu là công việc chân chính, giúp ích cho đất nước nhưng sẽ rất mâu thuẫn và lãng phí vô cùng nếu nguồn lao động chất lượng cao đã mất rất nhiều công sức, thời gian và tiền của mới tích lũy được, vậy mà để rồi chỉ làm những công việc phổ thông, thời vụ.
Để xảy ra hiện trạng ấy, trách nhiệm phần nhiều thuộc về “cỗ máy cái” GD-ĐT. Muộn còn hơn không, ngay từ bây giờ phải triển khai thật nhanh các giải pháp “cứu” nguồn lao động có trình độ này để hoạt động GD-ĐT trở về đúng vai trò, chức năng của mình; đồng thời không để các hành vi tiêu cực trong xin việc, tuyển dụng có đất nảy sinh.
Bình luận (0)