Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) vừa có đề nghị tăng giá bán than cho sản xuất điện. Lý do được tập đoàn này đưa ra là giá bán cho ngành điện hiện chỉ bằng khoảng 70% giá thành làm cho ngành than không có khả năng tái đầu tư và đời sống người lao động gặp khó khăn.
Hai lần đề xuất tăng giá than
Trước đây, Vinacomin cũng đã đề nghị Bộ Công Thương, Chính phủ cho phép điều chỉnh giá than theo lộ trình bảo đảm đến cuối quý I/2013, giá bán ngang bằng giá thành năm 2011 đã được kiểm toán; từ quý III/2013, giá bán sẽ bằng giá thành năm 2013, sau đó tiến tới theo giá thị trường như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, đề xuất này vẫn chưa được phê duyệt.
Giá thành cao do năng suất thấp
Chia sẻ khó khăn với ngành than song Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, ông Trần Viết Ngãi, cho rằng tỉ lệ cơ giới hóa của ngành than đang rất thấp (chỉ khoảng 2,8%), chủ yếu là đào thủ công dẫn đến năng suất lao động thấp, giá thành cao.
TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng (thuộc Vinacomin), tính toán: Năm 2012, Vinacomin xuất khẩu được 13,5 triệu tấn than, tạo ra chênh lệch doanh thu với giá bán trong nước khoảng 9.600 tỉ đồng. Trong khi đó, do Nhà nước không quản được xuất khẩu than lậu, ước tính có khoảng 5-6 triệu tấn/năm, trị giá hơn 10.000 tỉ đồng (tạm tính theo giá bình quân năm 2012) xuất lậu, nên giá trị xuất lậu lớn hơn chênh lệch xuất khẩu của Vinacomin. Thêm vào đó, theo ông Sơn, ngành than cần phải tái cơ cấu một cách thực chất chứ không phải “bình cũ rượu cũ” như đề án “Tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam giai đoạn 2012-2015” vừa được Chính phủ phê duyệt.
Cần công khai lỗ - lãi
“Giá than tăng thì chắc chắn ngành điện sẽ kêu lỗ và đòi tăng giá điện. Giá điện năm rồi đã tăng 10%, năm nay EVN dự kiến tăng 7% nữa thì lạm phát chắc chắn sẽ tăng mạnh, theo đó chi phí đầu vào của doanh nghiệp và chi tiêu hằng ngày của người dân phải tăng lên” - chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh lo ngại.
Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong cho rằng ngành than đang được Nhà nước độc quyền và quản lý giá. Chính cơ chế độc quyền tạo nên câu hỏi lớn về quản lý giá thành của than. “Trong bối cảnh Nhà nước sẽ hướng tới thị trường các loại giá, việc tăng giá than là cần thiết nhưng để tạo sự đồng thuận, bình đẳng và bảo đảm quyền lợi chung, chắc chắn ngành than phải giải trình. Giải trình này phải được kiểm toán để biết được mức độ đúng sai về giá cả, lỗ lãi, để từ đó có được giá bán rõ ràng hơn. n
Bình luận (0)