Vợ chồng ông Nguyễn Văn Lễ đang thăm ao sắp được xã Nhơn Đức hỗ trợ cua và tôm sú giống để nuôi thí điểm
Đồng vợ, đồng chồng
Ông Tư Lễ năm nay đã gần 60 tuổi, là nông dân thứ thiệt với mấy đời tổ tiên gắn bó cùng vùng đất Nhơn Đức. Cũng như cha ông mình, trước đây ông Tư Lễ trồng lúa nhưng ông bảo đất Nhơn Đức thấp lại gần biển nên trồng lúa rất cực mà lại hay thất bát. “Thế nên, dù trồng lúa là nghề chính nhưng thu nhập của gia đình tôi trước đây lại trông chờ vào đàn vịt nuôi thả đồng nhiều hơn” - ông nói. Và cũng như nhiều hộ nông dân khác trong vùng, ông mong muốn chuyển từ trồng lúa sang nuôi thủy sản, cụ thể là nuôi tôm thẻ, để có thu nhập khá hơn. Đó là thời điểm cách nay khoảng 10 năm. Khi ấy, ông bắt đầu cất công tìm hiểu về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản. Cách tìm hiểu của ông rất lạ so với người khác.
Vợ ông, bà Lê Thị Tĩnh, nói đùa: “Đi Cần Giờ học nuôi tôm thẻ, ổng rủ tôi theo. Rồi các cuộc hội thảo, hội nghị, các lớp khuyến nông, ổng cũng muốn tôi theo để làm... đôi vợ chồng già cùng tiến!”. Nhưng thật ra, mong muốn của ông Tư Lễ không chỉ là có bạn cùng học cho vui. Ông giải thích: “Tôi muốn tôi biết 9 thì vợ tôi ít nhất phải biết 8. Để làm gì? Để tranh luận với nhau cho đạt tới mức biết 10, để giữ cho mình đừng chủ quan, để “thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”. Mà quan trọng là để... cả hai cùng đồng tâm hiệp lực làm, lỡ có lỗ lã, bả cũng không cằn nhằn!”.
Về chuyện này, các cán bộ khuyến nông của xã còn phải học kinh nghiệm của họ. “Vợ chồng chú Tư hay lắm. Chồng bận thì vợ đi, về thuật lại và ngược lại” - bà Trương Mộng Thắm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Đức, vui vẻ nhận xét.
Làm giàu cần kiên nhẫn
Thời gian qua, nhiều hộ nông dân ở Nhơn Đức nuôi tôm thẻ bị lỗ do nhiều nguyên nhân. Ở khía cạnh cá nhân, ông Tư Lễ bảo ông cảm thấy rất xót dạ. Theo ông, trong đó có nguyên nhân chủ quan là sự nôn nóng làm giàu từ con tôm thẻ. Ông nói: “Có hộ thả tôm giống với mật độ quá cao. Có hộ nuôi tôm liền tù tì trong ao mà không xen kẽ nuôi cá hoặc cho ao nghỉ. Cách làm đó không hay”. Về chuyện này, anh Võ Văn Tú, một hộ nông dân của xã Nhơn Đức từng thả tôm giống với mật độ cao, cũng đồng tình: “Không nên làm như thế, tôm sẽ dễ bị chết, chậm phát triển. Càng nôn nóng thu lợi càng bị lỗ!”.
Để nuôi tôm thành công, ông bảo ngoài lý thuyết từ sách vở, người nuôi còn phải kiên nhẫn quan sát, vận dụng đầu óc của mình để tính toán mật độ thả tôm và số vụ tôm nuôi trong năm sao cho hợp lý. Cũng bởi, dù nằm trong cùng một vùng nhưng chắc chắn các ao nuôi sẽ không giống mà xê xích một ít về diện tích, độ sâu, độ mặn... Thế nên, không có một lý thuyết nuôi chung, một chuẩn chung chính xác cho tất cả các ao nuôi tôm.
Nuôi thí điểm cua biển và tôm sú Theo Hội Nông dân xã Nhơn Đức, xã đang triển khai thí điểm việc nuôi cua biển và tôm sú; hộ ông Nguyễn Văn Lễ đã được chọn là một trong các hộ nuôi thí điểm. “Xã hỗ trợ 3.000 con cua giống và 90.000 con tôm sú giống cho hộ chú Tư Lễ nuôi thí điểm. Với kinh nghiệm và khả năng nắm bắt kỹ thuật của chú, sau khi chú nuôi thành công, chúng tôi sẽ đề xuất nhân rộng mô hình thí điểm” - bà Trương Mộng Thắm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Đức, cho biết. |
Bình luận (0)