Năm 2008, khi ông Quang làm giám đốc Công ty Lâm nghiệp Bình Phước (nay là Nông lâm trường Nghĩa Trung trực thuộc Công ty Cao su Sông Bé - PV) đã cho thu hồi toàn bộ sổ giao khoán lẫn diện tích đất rừng của hàng chục hộ dân trên địa bàn huyện Bù Đăng đang khoanh nuôi, bảo vệ mặc dù các hộ này đều nằm trong diện được ưu tiên nhận khoán theo Quyết định số 21/2008/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Phước.
Khu đất được ông Nguyễn Vinh Quang lập hồ sơ giả để cấp cho em ruột mình
Toàn bộ diện tích đất thu hồi sau đó được ông Quang tự ý giao khoán cho phần lớn cán bộ tại tỉnh Bình Phước. Nhiều trường hợp ngụ ở huyện Đồng Phú, thậm chí tận thị xã Đồng Xoài (không nằm trong diện được giao khoán đất) cũng được nhận khoán. Như trường hợp ông Nguyễn Công Thiệc (hộ khẩu ở thị xã Đồng Xoài, hành nghề xe ôm), là người thân của 1 cán bộ công an, vẫn được nhận khoán. Hay ông Đỗ Hoàng Tần, có hộ khẩu thường trú tại xã Tân Phước, huyện Đồng Phú, cũng được ưu ái giao đất.
Không những cấp đất sai nhiều đối tượng, ông Quang còn tạo dựng hồ sơ giả để cấp cho em ruột mình là ông Nguyễn Quang Linh (SN 1964) 5,01 ha tại khoảnh 1 tiểu khu 307. Ông Linh có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Nghệ An nhưng ông Quang đã “vẽ” đơn (ghi ngày 2-7-2008) để biến em mình thành người có hộ khẩu ngụ tại thôn 2, xã Nghĩa Trung và xin nhận khoán. Trồng cao su 2 năm, ông Linh bán lại khu đất nhận khoán với giá 1,2 tỉ đồng, sau đó về quê.
Cá biệt, ông Đỗ Mạnh Hùng, trưởng thôn 6, không ký bất cứ hồ sơ nào về việc xin nhận khoán nhưng không hiểu sao lại có hồ sơ mang tên ông và hiện nay số đất này do ông Trần Quốc Phòng (nguyên cán bộ tư pháp xã Nghĩa Trung) canh tác!
Theo Quyết định 21 của UBND tỉnh Bình Phước, hạn mức đất giao khoán tối đa cho mỗi hộ là 5 ha và không được tự ý chuyển nhượng hợp đồng giao nhận khoán với bất kỳ hình thức nào. Tuy nhiên, ngay sau khi nhận khoán, nhiều cán bộ để người nhà đứng tên như trường hợp ông H.V.Th, cán bộ Công an huyện Bù Đăng, để vợ nhận 5 ha nhưng “chiếm” đến hơn 10 ha. Còn trường hợp ông Thiệc chỉ được giao 5 ha nhưng hiện tại diện tích đất “nở” tới 13 ha…
Nhiều người còn mua bán trái phép đất lâm nghiệp. Cụ thể, ông Tần dùng tên ông Nguyễn Tấn Cảnh để bán 20 ha tại tiểu khu 307–304 với giá từ 200-300 triệu đồng/ha cho ông L.V, giám đốc Công ty M.Đ; ông Nguyễn Tùng Châu (cán bộ kiểm lâm địa bàn) đứng tên người khác nhận 5 ha, thực tế diện tích lên tới 10,7 ha, sau khi trồng cao su, ông Châu bán 2,8 tỉ đồng vào năm 2012…
Bình luận (0)