Những chiến sĩ công binh tất bật xây dựng công trình trên đảo Sơn Ca
Không lùi bước
Chỉ tay về hướng xa xa, nơi những thanh niên đang cặm cụi trộn hồ bên cạnh những căn nhà dựng tạm, thượng tá Ngô Duy Đỗ nói: “Họ là lính công binh đấy. Những công trình khang trang ở đây đều do bàn tay họ xây nên”.
Giữa công trường nắng gió, trông ai cũng đen nhẻm, tóc đỏ quạch và cứng như rễ tre. Một sĩ quan công binh gương mặt sạm đen cười nói: “Gặp mọi người, chúng tôi đỡ nhớ đất liền, nhớ nhà nhiều lắm”. Anh là thiếu tá Nguyễn Văn Thắng, trợ lý chính trị Trung đoàn 131, Công binh Hải quân - đơn vị đang thi công những công trình trên đảo Sơn Ca. Anh Thắng cho biết thời tiết ở đây vô cùng khắc nghiệt; ban ngày nắng cháy da, ban đêm phải đắp chăn ngăn sương biển và hơi muối mặn. Xây công trình ở Trường Sa không có giờ, ngày nghỉ cố định, ngày lễ hay chủ nhật mà hoàn toàn phụ thuộc vào sự đỏng đảnh của thời tiết.
Những người lính công binh còn phải vượt qua nhiều kham khổ như thiếu nước ngọt, thiếu rau xanh. Trung sĩ Nguyễn Bình Khiêm không nhớ rõ bao nhiêu lần anh đã đánh răng bằng nước biển. “Khi thời tiết thuận lợi, chúng tôi phải ra công trường nên không có thời gian tăng gia sản xuất. Vì thiếu thực phẩm tươi nên nhiều chiến sĩ bị đau bụng, kiết lỵ. Còn nước ngọt thì phải chắt chiu từng giọt” - trung sĩ Khiêm cho biết. Còn trung tá Bùi Đức Thông, Chính trị viên Tiểu đoàn 884, Trung đoàn 131, chia sẻ: “Những người lính công binh không được phép lùi bước. Gian khổ đã tôi luyện chúng tôi thành những chiến sĩ kiên cường. Nếu không có ý chí và tinh thần thép, chúng tôi đã bị nắng gió Trường Sa quật ngã rồi”.
Nghị lực phi thường
Là một trong những người gắn bó với công binh hải quân từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, thiếu tá Lại Văn Thanh, Khung trưởng Khung xây dựng công trình đảo Sơn Ca, không nhớ đã đi qua bao nhiêu điểm đảo của Trường Sa. Câu chuyện xây đảo được anh ví như truyền thuyết xây Loa thành của An Dương Vương thuở trước. Giọng anh kiêu hãnh: “An Dương Vương muốn xây thành Cổ Loa đánh giặc, bao năm trời ròng rã, thành xây đến đâu là đổ đến đó, đến khi được thần Kim Quy trợ giúp mới xong. Vậy mà ngày nay, giữa Trường Sa đầy bão tố và nắng gió, chẳng cần một sức mạnh thần linh nào, chỉ có tình yêu biển đảo, bàn tay, khối óc và nghị lực phi thường, những người lính công binh đã dựng nên những “Loa thành” vững chãi trên biển Đông”.
Trước đây, những đảo đá chìm khi thủy triều lên thì chìm dưới biển sâu, ngập nước trắng xóa; còn thủy triều xuống thì nổi lên những bãi đá san hô. Vì thế, xây nhà và các công trình trên nền đá san hô vô cùng khó khăn, nhất là công đoạn làm chân móng. Đó là chưa kể khi gặp sóng to, gió lớn, chỉ cần sơ suất là người và vật liệu chìm xuống biển. “Đã từng có công trình xây gần xong thì bị mưa bão cuốn hết xuống biển, anh em chỉ biết ôm nhau khóc. Khi ấy, hình ảnh ngôi nhà giữa biển khơi với lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên nóc đảo hiện lên lấp lánh trong tim mỗi chiến sĩ. Thế là anh em như được tiếp thêm sức mạnh, liền khẩn trương bắc giàn giáo, trộn hồ xây lại ngay sau khi cơn dông vừa tạnh” - anh Thanh nhớ lại.
Xây tình yêu Tổ quốc
Với những người lính công binh, họ có thể ở nhà tạm bị mưa nắng bủa vây nhưng vật liệu thì luôn được họ che chắn cẩn thận. Thiếu tá Nguyễn Văn Thắng cho biết: “An toàn cho vật liệu xây dựng, hàng hóa luôn là nhiệm vụ hàng đầu của lính công binh. Khi tàu chở hàng ra đảo, chúng tôi phải tranh thủ vận chuyển vào bờ bất kể ngày đêm để tránh thời tiết xấu”. Thiếu tá Lại Văn Thanh cho biết công trình ngoài đảo tốn kém gấp 7-8 lần so với đất liền, thời gian cũng lâu hơn 3-4 lần. Một căn nhà cấp 1, ở đất liền chỉ khoảng 2 tháng là xây xong nhưng ở Trường Sa thì phải mất 7 tháng.
Dù nay đã có phương tiện hỗ trợ nhưng vận chuyển chính vẫn là đôi vai và đôi chân của các chiến sĩ công binh. Vì thế, trên vai họ đầy những vết chai sần. Những chiếc áo yếm hải quân bạc màu không chỉ vì dãi nắng dầm mưa theo thời gian mà còn rách bươm vì vết cắt của đá. Giọng trung tá Bùi Đức Thông chùng xuống, xúc động: “Từng viên đá xây đảo, xây nhà đã thấm mồ hôi, nước mắt và cả máu của bao đồng đội. Đá càng nặng, tình yêu Tổ quốc càng sâu. Vác đá trên vai như vác cả tình yêu Tổ quốc, gánh trọng trách của Đảng và nhân dân giao phó”.
Có ra đến Trường Sa mới thấy con người mong manh, nhỏ bé thế nào trước biển nhưng cũng sẽ thấy sức chịu đựng và nghị lực phi thường của con người trước biển cả bao la! |
(*) Xem Báo Người Lao Độngtừ số ra ngày 3-5
Kỳ tới: Soi sáng chủ quyền
Bình luận (0)