Sau nhiều lần có ý kiến, UBND tỉnh Đồng Nai vừa tiếp tục có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Ủy ban UNESCO Việt Nam, Ủy ban MAB Việt Nam (Chương trình Con người và sinh quyển), về tác động của 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đến khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai.
Những cánh rừng thuộc rừng phòng hộ Nam Cát Tiên bị người dân đốt làm nương rẫy
hòng xí đất chờ bồi thường khi thực hiện 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Thủy điện chưa thực hiện nhưng hệ lụy thì đã nhãn tiền!
(Ảnh do TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam cung cấp)
Làm biến dạng “trái tim” VQG Cát Tiên
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, nếu thực hiện 2 dự án thủy điện này sẽ gây ra 5 tác động cơ bản đến Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai. Thứ nhất là về pháp lý, Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên là một phần của Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai nên chịu sự điều phối của Ủy ban UNESCO và Ủy ban MAB, cũng như các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia (Công ước Ram sar về các vùng đất ngập nước...).
Riêng pháp lý của Việt Nam, 2 dự án này phải tuân thủ theo Nghị quyết 49/2010 của Quốc hội về danh mục các dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội chủ trương đầu tư, Luật Bảo vệ - Phát triển rừng (2004), Luật Đa dạng sinh học (2008), Luật Sửa đổi và bổ sung một số điều của luật di sản văn hóa (2009). Đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng hồ sơ đề cử VQG Cát Tiên là di sản thiên nhiên thế giới nhưng nếu cho triển khai 2 dự án sẽ khó thuyết phục UNESCO chấp thuận hồ sơ.
Việc chặn dòng sông Đồng Nai và xây dựng công trình sẽ tác động đến môi trường sinh thái làm thay đổi hệ sinh thái rừng, ô nhiễm sông, thậm chí có thể biến dạng sông Đồng Nai và Bầu Sấu - “trái tim” của VQG Cát Tiên. Diện tích rừng phải “hy sinh” không phải là rừng nghèo mà tính đa dạng sinh học cao, rất nhiều động - thực vật quý hiếm sẽ mất sinh cảnh và tuyệt chủng. Bên cạnh đó, việc xây đập và mở các đường vận hành sẽ “giúp” lâm tặc khai thác lâm sản, săn bắn thú rừng.
Chôn vùi di chỉ văn hóa Cát Tiên
Hồ sơ đánh giá tác động môi trường do chủ đầu tư cung cấp chưa tính đến việc xây dựng đường dây tải điện nên diện tích rừng bị mất của VQG Cát Tiên sẽ lớn hơn 137 ha. Ước tính khoảng 850 tấn thuốc nổ được sử dụng trong 3 năm, bình quân 0,8-0,9 tấn thuốc nổ/ngày sẽ tác động đến các loài động vật trong khu vực, ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi… và sẽ nhanh chóng phá vỡ hệ sinh thái cũng như cấu trúc rừng nguyên sinh của VQG Cát Tiên.
Việc thực hiện 2 dự án cũng sẽ chôn vùi di chỉ văn hóa Cát Tiên trong khu vực dự án. Đồng thời tác động đến nguồn nước các địa phương hạ lưu: Đồng Nai, Bình Dương và TPHCM.
Do đó, UBND tỉnh Đồng Nai nhận xét một cách tổng thể các tác động bất lợi của 2 dự án đến kinh tế - xã hội - môi trường và đời sống người dân lớn hơn rất nhiều so với hiệu quả kinh tế mang lại, đó là chưa xét hết các nguy cơ, hiểm họa tiềm ẩn của 2 dự án. Vì thế, UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội không triển khai thực hiện và loại bỏ 2 dự án này khỏi quy hoạch thủy điện trên sông Đồng Nai.
Chủ đầu tư tiếp tục “tô hồng”
Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường thủy điện Đồng Nai 6 và 6A vừa gửi cho Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai tiếp tục “tô hồng” 2 dự án này. Cụ thể, chủ đầu tư khẳng định tác động của dự án là chỉ làm giảm số lượng cá thể động, thực vật nhưng không làm mất đi hoàn toàn gien, loài cũng như không làm giảm sự phong phú của các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng của VQG Cát Tiên; ít tác động đến môi trường, sinh thái và không gây chia cắt sinh cảnh của khu Cát Lộc VQG Cát Tiên; không ảnh hưởng xấu đến Bàu Sấu và tác động tích cực đến chế độ thủy văn sông Đồng Nai...
Chủ đầu tư còn hứa sẽ bảo vệ rừng, trồng và phục hồi rừng tương ứng diện tích chiếm đất; hỗ trợ công tác bảo tồn; xây dựng thêm trạm kiểm lâm; hỗ trợ cộng đồng dân cư khu vực như nghề cá, xây dựng trường học, đường giao thông, thiệt hại hoa màu…
L.Trang |
Bình luận (0)