xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Chết” vì chụp giật, lỗi thời!

NHÓM PHÓNG VIÊN

Các làng nghề truyền thống rơi vào cảnh chợ chiều cũng bởi cung cách làm kiểu “ăn xổi”, gắn mác hàng Trung Quốc chất lượng kém vào hàng thủ công truyền thống rồi tung ra thị trường

Nằm ngay Quốc lộ 1 đoạn qua thôn Thanh Chiêm, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nhà truyền thống của làng nghề đúc đồng Phước Kiều quanh năm cửa đóng then cài. Trong khi đó, các hộ làm nghề đều sản xuất cầm chừng do không có đơn đặt hàng. Ông Trần Đình Trí, một người đúc đồng trong thôn, ngán ngẩm: “Mạnh ai nấy kinh doanh. Ai làm được thì sống, còn không thì chết!”.
 
img
Khu trưng bày sản phẩm của làng nghề Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội hoang tàn, vắng lặng Ảnh: VĂN DUẨN

Thua trắng hàng Trung Quốc

Theo một nghệ nhân gắn bó lâu năm với làng đúc đồng Phước Kiều, làng nghề mai một và kém hưng thịnh cũng bởi một số cơ sở tư nhân kinh doanh theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó”. Nhiều cửa hàng mang thương hiệu Phước Kiều nhưng thực chất mua lại nguồn hàng từ Thừa Thiên - Huế, Bắc Giang hay TP HCM. Nhiều hộ thậm chí còn chơi xấu nhau.

Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh cũng nổi lên ở Hà Nội như làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm)... Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cho biết ở Bát Tràng, một số hộ làm nghề đã nhập gốm sứ Trung Quốc về rồi gắn nhãn hiệu Bát Tràng để bán; người dân thậm chí “dìm hàng”, nói xấu nhau.
 
Ở Vạn Phúc thì mua lụa nơi khác rồi về pha, biến thành sản phẩm của làng. Bởi vậy, nhiều làng nghề đang “chết mòn” vì thiếu quy hoạch và sản xuất theo kiểu “ăn xổi”, chỉ chăm chăm chạy theo lợi nhuận.
 
img
Các lò gạch, gốm ở xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long xả khói gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: CA LINH

“Chúng ta sẵn sàng hội nhập nhưng phải ghi rõ đâu là hàng Trung Quốc, đâu là của làng nghề. Đằng này lại trà trộn rồi dán nhãn mác thành của mình để bán, bảo sao không mất uy tín!” - ông Dần lo ngại.

Mặt khác, sản phẩm của các làng nghề còn quá đơn điệu, có khi chất lượng thấp nên không được phía đối tác nước ngoài cũng như du khách lựa chọn. Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Kỳ ở làng nghề dệt Mã Châu (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) cho rằng sản phẩm từ làng dệt ít được ưa chuộng trên thị trường bởi không cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc vốn có mẫu mã đẹp mà giá lại rẻ hơn.
 
Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa được nhiều người ở làng nghề lý giải là do nguyên liệu nhập về để sản xuất như sợi thì phải mua với giá cao, mua xong trả tiền ngay. Ngược lại, sản phẩm bán ra thì giao hàng trước rồi chờ lấy tiền sau nên làng nghề dệt vì thế trở nên đuối sức.

Công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm

Trong khi nhiều làng nghề ở Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam sản xuất cầm chừng vì ế ẩm thì các làng nghề gạch, gốm tại 2 tỉnh Vĩnh Long, An Giang buộc phải thu hẹp do phương thức sản xuất lạc hậu gây ô nhiễm môi trường.
 
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long, các khu vực lò gạch trong tỉnh phát tán nồng độ axit flohidric cao, có nơi vượt quy chuẩn 10-30 lần và ngày càng tăng, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Hầu hết các cơ sở này không có nơi che chắn trấu, tro nên khi gió mạnh sẽ bị thổi lan ra sông, rạch và nhà dân.

Ông Trương Chí Thiện - Phó Phòng Công Thương huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long - cho biết vì các lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường nên huyện đã quy hoạch thành 6 tuyến sản xuất, không cho phép mở rộng lò. Trước tình hình này, giám đốc một công ty sản xuất gạch, gốm tại huyện Mang Thít đề nghị được hỗ trợ cho vay vốn để thay đổi công nghệ, giảm giá thành sản xuất; như vậy mới mong sản phẩm cạnh tranh với nhiều thương hiệu khác.

Theo ông Trần Minh Đoàn - làng nghề mộc Chợ Thủ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang - các cơ sở mộc, chạm khắc gỗ tồn tại trong khu dân cư nên mạt cưa và sơn PU gây ô nhiễm rất nặng. Vì vậy, để nghề mộc chạm khắc gỗ Chợ Thủ trụ vững, rất cần tăng nguồn vốn hỗ trợ mua sắm máy móc, thiết bị sản xuất, thành lập khu sản xuất tập trung và phòng trưng bày sản phẩm làng nghề ở các trung tâm huyện, TP trong tỉnh. Ông Đoàn cho rằng cần thành lập nhà máy, tận dụng mạt cưa chế biến thay than củi sử dụng trong đun nấu, vừa tăng lợi nhuận vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
 

Cần vốn

Bà Lê Thị Bá Hạnh, Trưởng Phòng Quản lý công nghiệp Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết sở đang xây dựng mỗi làng nghề có 1-2 doanh nghiệp làm đầu mối tiêu thụ. Đã nhiều lần, sở đứng ra tổ chức hội nghị gặp mặt giữa các doanh nghiệp với những làng nghề nhưng đến nay chưa đạt kết quả. Ngoài ra, vấn đề trợ vốn cho các làng nghề dù đã rất cố gắng nhưng vẫn còn nhỏ giọt.

Cũng gặp khó khăn về vốn, chị Nguyễn Thị Hân, chủ một cơ sở sản xuất mây tre đan xuất khẩu ở làng nghề Phú Vinh (Hà Nội), than: “Vay vốn ngân hàng bây giờ khó lắm. Nhiều khi vay được về đến nhà thì đơn hàng của đối tác đã trôi đi từ lâu rồi”. Theo ông Lưu Duy Dần, hiện có đến 80% số hộ và các cơ sở sản xuất không thể tiếp cận được vốn vay ngân hàng bởi nhiều quy định khắt khe.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 11-6

Kỳ tới: Mò mẫm trên đường hội nhập

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo