Ảnh: REUTERS
Hội nghị ngoại trưởng ASEAN ở Campuchia vào năm ngoái đã chứng kiến sự chia rẽ của khối này trong việc đối phó với một Trung Quốc đang ngày càng lấn tới ở biển Đông. Tuy nhiên, phát biểu trước thềm hội nghị năm nay, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa nhận định rằng ASEAN hiện đồng thuận hơn và sẽ thúc ép Trung Quốc nhanh chóng đàm phán về một Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) tại Brunei.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry dự kiến sẽ nêu vấn đề biển Đông tại ARF bất chấp việc Bắc Kinh cho rằng Washington không có vai trò gì tại vùng biển này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington hy vọng các bộ trưởng tham dự ARF sẽ thảo luận về những tranh chấp ở biển Đông, đồng thời thúc giục các bên liên quan giải quyết hòa bình vấn đề này theo luật quốc tế và nhanh chóng có những tiến triển đối với chuyện soạn thảo COC. Trả lời phỏng vấn đài VOA (Mỹ) mới đây, ông Kerry khẳng định sẽ trấn an các đồng minh tại ARF rằng Washington vẫn đang thúc đẩy chiến lược chuyển trọng tâm sang châu Á - Thái Bình Dương với mong muốn duy trì hòa bình ở khu vực này.
Dù vậy, báo The Wall Street Journal (Mỹ) dẫn lời các nhà phân tích nhận định khả năng ASEAN và Trung Quốc tìm được tiếng nói chung về vấn đề biển Đông tại các hội nghị sắp tới là không cao bởi Bắc Kinh đang tìm mọi cách để trì hoãn việc soạn thảo COC. Theo ông Ian Storey, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, đề xuất của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị về việc thành lập một nhóm nhân sĩ ASEAN - Trung Quốc nhằm bàn thảo vấn đề biển Đông chỉ là một động thái nhằm làm chậm lại tiến trình đàm phán về COC. Trong khi đó, ông Carl Thayer, giáo sư Học viện Quốc phòng Úc, cho rằng Bắc Kinh ngoài miệng thì nói sẵn sàng bàn về COC nhưng thực tế lại đang dùng ngoại giao chiến hạm để gây sức ép lên các nước Đông Nam Á.
Trước thềm các hội nghị ASEAN nói trên, tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc đã cố tình làm căng thẳng hơn nữa tình hình biển Đông khi cảnh báo rằng một “cuộc phản công” nhằm vào Philippines là điều không thể tránh khỏi nếu nước này tiếp tục “khiêu khích” Bắc Kinh ở vùng biển. Một bài bình luận đăng tải hôm 29-6 của tờ báo này đã liệt kê “7 tội lỗi” mà Philippines đã phạm phải ở biển Đông, như “chiếm đóng bất hợp pháp” quần đảo Trường Sa (của Việt Nam), mời gọi vốn nước ngoài tham gia vào phát triển dầu khí ở vùng biển tranh chấp và thúc đẩy việc “quốc tế hóa” tranh chấp biển Đông.
Trước đó 2 ngày, Ngoại trưởng Vương Nghị cũng lớn tiếng tuyên bố rằng việc các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên thứ ba là vô ích và nói thêm rằng đối đầu với Trung Quốc sẽ là “thảm họa”.
Bình luận (0)