* Phóng viên: Gần đây, Việt Hương về nước làm từ thiện thường xuyên và khá rầm rộ. Đây là cách để chị quảng bá tên tuổi mình?
- Nghệ sĩ Việt Hương: Tôi may mắn có điều kiện đi lại và được sự ủng hộ của đồng nghiệp nên sắp xếp được công việc bên Mỹ là tranh thủ về nước làm từ thiện. Tôi để báo chí và khán giả biết những chuyến từ thiện của mình vì muốn minh bạch số tiền khán giả, bạn bè, anh em nghệ sĩ đã đóng góp. Ngoài ra, tôi cũng mong anh chị em nghệ sĩ biết đến hoạt động từ thiện mình đang làm để ủng hộ thêm.
Không dễ diễn hài ở nước ngoài
* Không chỉ tích cực từ thiện, khán giả còn thấy Việt Hương tham gia đóng phim, diễn hài trên truyền hình... mỗi khi từ hải ngoại trở về. Điều gì đã cuốn hút chị ?
- Tôi nghĩ chỉ cần là người Việt, dù ở bất cứ nơi nào trên thế giới, tôi đều sẵn lòng phục vụ. Vì có khán giả mới có Việt Hương như ngày nay, ân tình đó sâu nặng lắm! Mỗi lần trở về Việt Nam, tôi lại tìm về những ký ức ngày mới bước lên sân khấu, trong lòng dạt dào cảm hứng khi được diễn chung với đồng nghiệp cũ. Và hơn hết, tôi được thấy khán giả dành cho Việt Hương sự yêu mến như ngày nào.
Ở Mỹ, tôi không có cơ hội đóng phim truyền hình hoặc tham gia những vở kịch dài vì cộng đồng người Việt ở rải rác khắp 50 tiểu bang. Vì vậy, tôi về Việt Nam quay phim, làm DVD cũng có thể gửi đến khán giả ở khắp mọi nơi trên nước Mỹ nói riêng, thế giới nói chung.
* Sống một thời gian ở Mỹ, theo chị, khó khăn lớn nhất mà một nghệ sĩ hài gặp phải khi chinh phục khán giả kiều bào là gì?
- Diễn hài ở Mỹ khác ở Việt Nam nhiều về kịch bản, văn hóa và tiếng nói từng vùng miền. Do đó, tôi phải thay đổi kịch bản để thích hợp với văn hóa, lối sống ở những nơi mình đến. Cách diễn, cách gây cười phải chậm, hạn chế những từ địa phương.
Lúc đầu, tôi cứ bê nguyên những vở kịch trong nước qua diễn, diễn xong người ta không cười, mặc dù ở Việt Nam khán giả cười rất nhiều. Sau này, tôi mới biết mình diễn nhanh, thoại nhanh và nội dung câu chuyện, tính thời sự không phù hợp nên họ không hiểu. Theo tôi, khó khăn lớn nhất vẫn là ở phần kịch bản và ngôn ngữ.
* Nhìn lại sân khấu hài trong nước, chị trăn trở nhất điều gì?
- Sân khấu hài ở Việt Nam thu hẹp đi nhiều nên không còn đất dụng võ cho thế hệ sau. “Trăm hay không bằng tay quen” nên nếu có nhiều sân khấu cho mình biểu diễn thì nghề mới tiến bộ. Và điều quan trọng là kinh tế của anh chị em nghệ sĩ hài hiện nay còn thấp.
Một số nghệ sĩ khác linh hoạt, năng động, có thể hoạt động thêm nghề tay trái như mở nhà hàng song song việc đi diễn để yên tâm làm nghề.
Sống phải biết đủ!
* Sau thời gian dài gắn bó với ánh đèn sân khấu, Việt Hương nghĩ thế nào về nghề diễn. Chị có điều gì hối tiếc, muốn nhưng chưa thực hiện được?
- Tôi tiếc nhất là muốn học đạo diễn nhưng không có thời gian thực hiện. Tôi vốn là người thích tranh đấu, thích ganh đua chứ không thích ganh tị và tranh giành nên đã cố gắng vượt qua sự khắc nghiệt của nghề. Từ đó, tôi nhận ra rằng không có sự nỗ lực nào mà không được đền đáp xứng đáng, không sớm thì muộn. Những người làm nghề chân chính cần phải biết phấn đấu và nỗ lực đi lên chứ đừng bỏ cuộc vì khó khăn.
* Người ta nói diễn viên hài cười trên sân khấu nhưng lại âm thầm khóc đằng sau hậu trường...
- Tôi đã khóc đằng sau bức màn nhung rất nhiều vì bị chèn ép. Đây là điều hiển nhiên với những nghệ sĩ trẻ. Tuổi thơ cũng đầy nước mắt, sự ra đi của người thân cũng làm tôi đau lòng không kém. Lần rơi nước mắt gần đây nhất là khi tôi vào vai người mẹ trong bộ phim Yêu thuê. Tôi đã tái hiện đúng hình ảnh của mẹ mình nên xúc động và... khóc.
Dẫu vậy, tôi không có niềm đam mê nào lớn ngoài công việc. Đến giờ này, tôi không cho phép mình lắng đọng để khóc. Thay vào đó, tôi ngồi xem lại tác phẩm của mình, nếu cảm thấy không hài lòng sẽ suy nghĩ bằng cách nào để làm được hay hơn. Có lẽ, cái nghề này dành cho những người bản lĩnh và cứng rắn, dù bị vùi dập, chà đạp đến đâu cũng sẽ tìm mọi cách để vươn lên.
* Có gia đình hạnh phúc, sự nghiệp ổn định, chắc chị không còn cảm giác cô đơn như đã từng tâm sự nhiều lần trên các báo?
- Thời gian gần đây, tôi càng thấm hai chữ cô đơn mới đúng chứ! Sống càng nhiều, thời gian suy ngẫm, chiêm nghiệm nhiều thứ trong cuộc sống càng sâu sắc hơn. Hơn nữa, tôi nhạy cảm và trầm lặng. Lúc nào tôi cũng có cảm giác cô đơn nhưng may mà bên cạnh còn có người bạn đời và đứa con gái an ủi, thương yêu.
* Chị nghĩ sao về câu nói: “Hạnh phúc được so sánh như tiền, nó cần có với tất cả mọi người và chưa ai thấy đủ dù đã có thật nhiều hạnh phúc trong tay”?
- Tôi không nghĩ vậy. Hạnh phúc trong tay mình phải biết giữ nó và phải biết bao nhiêu là đủ. Nếu không cảm thấy đủ sẽ chẳng bao giờ có hạnh phúc vì họ cứ mãi đi tìm và chỉ thấy mệt mỏi. Mỗi người cần phải biết điểm dừng nếu không sẽ trở nên tham lam. Tôi tâm đắc câu: “Đủ yêu thương hạnh phúc sẽ đong đầy, hạnh phúc chẳng tìm thấy ở bất cứ đâu trên đời này, nó đến từ trong suy nghĩ của chính ta”.
* Bây giờ chị có vẻ đã điềm đạm, trầm tĩnh, chạy sô cũng vừa phải hơn, biết kết hợp công việc và du lịch... Điều gì khiến Việt Hương trở nên như vậy?
- Những sóng gió trong cuộc đời làm tôi trở nên trầm tĩnh hơn xưa. Tôi nhận ra rằng cuộc đời này có bao nhiêu đâu mà phải hờ hững. Khi đã ổn định rồi, mình phải biết hưởng thụ và làm cho cuộc sống có ý nghĩa, thêm niềm vui. Còn chạy sô, khi máu nghề nổi lên cũng vẫn xối xả đấy chứ, mà bây giờ lộ trình còn xa hơn ngày trước, từ Mỹ đến... Việt Nam!
Nhiều vai diễn ấn tượng Việt Hương sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Ông ngoại chị là nhà ảo thuật xiếc Huỳnh Thế Sơn, ba là nghệ sĩ xiếc Lâm Bằng. Trải qua nhiều lận đận trong tình duyên, cuối cùng Việt Hương cũng tìm thấy hạnh phúc của đời mình khi gặp nhạc sĩ hải ngoại Hoài Phương. Họ kết hôn và có một cô con gái nhỏ, hiện gia đình đang định cư ở Mỹ. Chị đến với sân khấu từ rất sớm và được khán giả yêu thích qua những vai diễn nhân vật hài. Nhưng ấn tượng nhất với khán giả vẫn là những vai diễn như Liên trong Trò đùa của người lớn hay Hoài Thu trong Hoài Thu của tôi... |
Bình luận (0)