Dốc tâm vì học trò nghèo
Một buổi chiều nắng gắt, chúng tôi có dịp đi ngang vùng cát trắng Bình Nam - xã nghèo nhất của huyện Thăng Bình,
“Cũng có nhiều người bảo tôi... “khùng”, nhà thì nghèo mà mở lớp học và phòng khám miễn phí. Tôi nghĩ tiền bạc mình có làm ra bao nhiêu rồi cũng hết nhưng mình làm việc có ích thì để đức cho con cái. Sống đã hơn nửa đời người, tôi cũng hiểu được giáo dục và y tế là 2 thứ rất quan trọng với người dân”
- Ông Trịnh Xuân Hiền - |
Dừng chân ở thôn Phương Tân, xen lẫn với tiếng sóng vỗ, đâu đó lại vang lên tiếng bi bô của học trò. Đã 3 năm nay, tại vùng đất nghèo khó này, có một khóa học hè miễn phí dành riêng cho học sinh nghèo hiếu học.
Chúng tôi tìm gặp ông Trịnh Xuân Hiền, “hiệu trưởng” của khóa học hè miễn phí. Ông năm nay 49 tuổi, dáng người thấp, nước da ngăm đen đặc trưng của người dân vùng biển. “Lên báo làm chi anh? Tôi làm việc này chỉ vì thương các em, chứ đưa lên báo, người ta lại nói mình khoe mẽ” - ông Hiền từ tốn.
Năm 2009, khi con đường nhựa ven biển chạy vắt qua thôn Phương Tân cũng là lúc tình trạng trộm cắp vặt xảy ra thường xuyên. Ông Hiền đề xuất thành lập câu lạc bộ (CLB) tự quản tham gia bảo vệ an ninh trật tự. Dù không một đồng bồi dưỡng nhưng ngày đêm, các thành viên chia nhau tuần tra và xử lý các vụ gây rối trật tự, mai phục bắt quả tang nhiều vụ trộm cắp tài sản của người dân. Nhờ có tổ tự quản, thôn xóm bình yên.
Nói là làm, mọi công việc ở nhà ông đều giao hết cho vợ gánh vác. Quanh năm suốt tháng, ông lặn lội khắp nơi, nhờ bạn bè ủng hộ, rồi đến các địa chỉ từ thiện xin sách vở cũ mang về cho các em. Nhờ đó, khóa học hè được duy trì.
Năm nay, khóa học hè miễn phí khai giảng đúng Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, như một món quà ông Hiền dành tặng cho học sinh nghèo. Khóa học có 160 học sinh, chia thành 4 lớp, từ lớp 6 đến lớp 9 với các môn toán, văn, hóa và ngoại ngữ. Ông Hiền còn mời những giáo viên giỏi có kinh nghiệm ở các trường trong huyện đến dạy.
Em Châu Thị Phương Nam (16 tuổi, ngụ thôn Đông Tác), lần đầu tiên đến học, tâm sự: “Nhà em nghèo lại có đến 5 anh chị em nên từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ được đi học thêm hay học hè. Em rất cảm ơn tấm lòng của chú Hiền và các mạnh thường quân”.
Mở phòng khám nghĩa tình
Tưởng như quanh năm lo cho khóa học hè miễn phí đã khiến ông Trịnh Xuân Hiền kiệt sức. Thế mà tháng 9-2012, ông lại xin phép chính quyền địa phương và được cho mở phòng khám đông y miễn phí dành cho người nghèo. Phòng khám là một căn nhà nhỏ đã ngả màu sơn, nằm sát bên đường, nay đã trở nên quen thuộc đối với bà con trong thôn.
“Từ khi có phòng khám của chú Hiền, tôi xem đây như nhà mình. Ăn cơm xong là ra đây ngồi, chờ bác sĩ tới khám với châm cứu. Hồi chưa có phòng khám, tôi phải đi xa lắm, đau nhiều mới đi chứ đau ít thì chỉ biết ở nhà chịu đựng thôi. Có phòng khám này, sức khỏe tôi tốt lắm, người khỏe hẳn và bớt đau ốm hơn trước” - bà Nguyễn Thị Phận (70 tuổi) nói.
Ông Trịnh Xuân Hiền có 5 người con, 2 người đã lập gia đình. Ngôi nhà dùng làm phòng khám trước đây vốn là nhà vợ chồng ông dựng lên cho người con đầu nhưng anh này cưới vợ và ở hẳn trong TP HCM. “Ngôi nhà để trống chẳng làm chi, thấy bà con nghèo, đau ốm đi lại vất vả nên tôi mở phòng khám giúp bà con, cũng là giúp mình, lỡ khi đau ốm…” - ông Hiền cho biết.
Để mở phòng khám, ông Hiền phải lấy số tiền mấy chục năm vợ chồng ông tích góp được để mua 8 chiếc giường cùng thuốc men, trang thiết bị như máy đo nhịp tim, đo huyết áp, máy điện châm, cân trọng lượng, kim châm, thuê cán bộ y tế của Trung tâm Y tế xã Bình Nam… với khoản chi phí ban đầu ước tính hơn 50 triệu đồng. Từ khi ra đời, phòng khám mở cửa vào mỗi buổi chiều, chỉ trừ ngày Tết. Bà con đến khám còn được cấp thuốc miễn phí. Ai có điều kiện đưa tiền thì số tiền này lại được ông Hiền dùng để mua thuốc cấp phát cho những người nghèo hơn.
Kỳ tới: Người mẹ cầm chèo
Bình luận (0)