Có chức danh thị trưởng
Trình bày tờ trình Chính phủ về Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị TP HCM, Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM Trương Văn Lắm cho biết: Chính quyền đô thị TP HCM xây dựng theo mô hình chuỗi đô thị, được tổ chức phù hợp với loại đô thị đặc biệt, có 2 cấp là chính quyền TP và chính quyền cấp cơ sở. Về cấp chính quyền TP HCM - TP trực thuộc Trung ương có HĐND và UBND. Chính quyền TP HCM có quy mô toàn bộ 24 quận, huyện hiện nay của TP HCM. Chính quyền TP HCM vừa đóng vai trò là chính quyền cấp trên cơ sở vừa là chính quyền đô thị của 13 quận nội thành là quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình và Tân Phú. Tại mỗi quận sẽ tổ chức cơ quan đại diện hành chính dưới hình thức ủy ban hành chính, có chủ tịch ủy ban hành chính quận (hoặc quận trưởng) do Chủ tịch UBND TP bổ nhiệm và bãi, miễn nhiệm. Dưới quận sẽ tổ chức các ủy ban hành chính tại mỗi phường, có chủ tịch ủy ban hành chính phường (hoặc phường trưởng). Mục đích của việc tổ chức các ủy ban hành chính ở mỗi quận nhằm tạo thuận lợi trong công tác quản lý hành chính nhà nước và thực hiện các phúc lợi đô thị cho người dân.
Người dân dễ tiếp cận dịch vụ công
Nói về mục tiêu của Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị TP HCM, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải khẳng định: Xây dựng mô hình chính quyền mới phải đúng với bản chất của chế độ là chính quyền của dân, do dân và vì dân. Phải làm rõ bản chất của chế độ, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) và trách nhiệm người đứng đầu. “Thước đo của mô hình mới này tích cực hay không là nó có thực sự của dân, do dân và vì dân hay không và phải khắc phục, tránh tình trạng quan liêu, cửa quyền, xa dân. Tổ chức như thế nào để người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ công, nhất là đồng bào nghèo, neo đơn” - ông Lê Thanh Hải nhấn mạnh.
TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP HCM, nhận định: Mô hình chính quyền đô thị sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người dân từ hệ thống phúc lợi công đến các dịch vụ cơ chế hành chính. Bốn TP Đông, Tây, Nam, Bắc sẽ phải cạnh tranh hơn để phục vụ dân tốt hơn, chính quyền sẽ thi đua với nhau để nâng cao phúc lợi xã hội.
Để bảo đảm quy trình, thời gian trình Ban Cán sự Đảng Chính phủ, ông Lê Thanh Hải đã giao cho Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND TP tiếp tục hoàn chỉnh đề án; phối hợp Đảng đoàn HĐND TP; Đảng đoàn Ủy ban MTTQ TP tổ chức lắng nghe ý kiến của đại biểu HĐND, nguyên lãnh đạo cao cấp nghỉ hưu, nhất là các ý kiến khác nhau và có phương án giải trình thỏa đáng, tăng tính thuyết phục cho đề án. Ông Lê Thanh Hải cũng chỉ đạo sau khi được Quốc hội thông qua, quá trình triển khai thực hiện đề án tuyệt đối không gây xáo trộn đời sống kinh tế - chính trị - xã hội của nhân dân TP; không ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; các giao dịch hành chính công liên quan đến công dân và doanh nghiệp, nhất là trong quá trình điều chỉnh địa giới hành chính trên địa bàn TP.
TS TRẦN DU LỊCH, PHÓ TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH TP HCM: Phường, xã không còn là cái “máng xối” Mô hình chính quyền đô thị sẽ tạo ra những bước đột phá lớn cho sự phát triển của TP HCM. Tổ chức chính quyền hai cấp mang lại thực chất chứ không ba cấp mà thiếu thực chất như hiện nay. Đó là phải có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phải được quyền quyết cái gì chứ không họp nhau rồi đi xin, đề nghị. Sẽ không còn tình trạng một việc mà nhiều cấp cùng làm; không còn tình trạng phường xã trở thành cái “máng xối”, mọi việc đều đổ xuống đây. Cái nào cấp dưới làm thì cấp trên không làm mà chỉ kiểm tra, giám sát; phân định rõ ràng, có cơ chế ủy nhiệm, ủy quyền chứ không nhập nhằng. ÔNG TRẦN CHÍ DŨNG, GIÁM ĐỐC SỞ QUY HOẠCH - KIẾN TRÚC TP HCM: Trách nhiệm sở, ngành sẽ được quy định rõ ràng Khi mô hình chính quyền đô thị được hình thành sẽ thay đổi chức năng cơ bản của các sở, ngành từ tham mưu sang quản lý nhà nước. Do đó, sẽ giảm bớt nhiều thủ tục so với hiện nay. Song song với việc phải giải quyết nhanh các thủ tục hành chính cho người dân, trách nhiệm của các sở, ngành cũng sẽ được quy định rõ ràng hơn. Ví dụ, khi cấp giấy cho người dân, hiện nay là sở phải có tờ trình UBND TP. UBND TP ra quyết định giao cho giám đốc sở ký giấy chứng nhận. Khi thành lập chính quyền đô thị, giám đốc sở sẽ trực tiếp ký quyết định và chịu trách nhiệm hoàn toàn với quyết định đó. |
Bình luận (0)