Ngày 12-8, tại hội nghị “Đào tạo nhân lực y tế vùng ĐBSCL mở rộng” do Trường ĐH Y Dược Cần Thơ tổ chức, đại biểu đến từ các tỉnh, TP than phiền thiếu nhiều bác sĩ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Theo thống kê của Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, các tỉnh có tỉ lệ bác sĩ thuộc hàng “dưới đáy” gồm: Sóc Trăng (3,89/vạn dân), An Giang (4,56/vạn dân), Tiền Giang (4,86/vạn dân)…
Sinh viên ngành dược của Trường ĐH Võ Trường Toản trong một tiết thực hành
Khó tuyển bác sĩ tâm thần, pháp y
Ông Phạm Văn Đởm, Phó Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang, nêu thực trạng: “Toàn tỉnh chúng tôi còn 70 xã chưa có bác sĩ, nhất là tại các xã đảo và biên giới”. Bà Võ Thị Dễ, Phó Giám đốc Sở Y tế Long An, lo ngại: “Long An nằm gần TP HCM nên giữ chân bác sĩ rất khó, vì vậy tỉ lệ bác sĩ rất thấp. Năm 2014, Bệnh viện Tâm thần sẽ xây xong nhưng đang thiếu nhân lực, đặc biệt là bác sĩ đa khoa. Chúng tôi đề xuất ban giám hiệu Trường ĐH Y Dược Cần Thơ giúp giùm”.
Bà Bùi Thị Lệ Phi, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ, cho biết: “Cách đây vài năm, chúng tôi gửi 2 em đến Trường ĐH Y Dược Cần Thơ theo học ngành pháp y và pháp y tâm thần. Đến nay, 2 ngành này không có cơ chế tuyển đặc biệt nên hầu như “tuyệt chủng” về bác sĩ”.
Theo ông Huỳnh Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long, tỉnh này đang xây bệnh viện tâm thần và thành lập trung tâm pháp y theo chỉ đạo của Bộ Y tế nhưng phân công bác sĩ về đây rất khó. “Năm nay, các em thi điểm cao nhưng không trúng tuyển. Vì vậy, mong trường nâng chỉ tiêu theo địa chỉ sử dụng để có lực lượng đưa về” - ông Nghĩa đề nghị.
Theo Giám đốc Sở Y tế Bến Tre - ông Ngô Văn Tán, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ cần ưu tiên cho một số nơi tăng cường nhân lực đào tạo bác sĩ đa khoa nhưng định hướng cho sinh viên phục vụ ngành pháp y và pháp y tâm thần. Nếu không chuẩn bị ngay từ bây giờ thì khi cần sử dụng sẽ gặp khó khăn.
Phải đầu tư lâu dài
Trong vùng ĐBSCL, hiện chỉ có Trường ĐH Y Dược Cần Thơ đào tạo chính quy hệ CĐ, ĐH về y khoa với cơ sở vật chất hiện đại. Tại hội nghị, tỉnh nào cũng yêu cầu Trường ĐH Y Dược Cần Thơ tăng thêm chỉ tiêu cho một số ngành.
Theo lãnh đạo Sở Y tế Sóc Trăng, địa phương này thiếu nguồn nhân lực y tế nhiều nhất cả nước, đến năm 2016 vẫn đứng thấp nhất. Sóc Trăng đã có văn bản gửi Chính phủ và Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ xin tăng thêm chỉ tiêu đào tạo cho các ngành hệ chính quy.
Giám đốc Sở Y tế An Giang - ông Từ Quốc Tuấn - băn khoăn: “Đội ngũ bác sĩ ở tỉnh về hưu nhiều, lớp trẻ thay vào thì ít. Nếu An Giang xin tăng chỉ tiêu thì tỉnh bạn sẽ giảm. Vì vậy, nếu được thì mong trường có chủ trương cho những em thi không đậu bác sĩ đa khoa chuyển sang y tế dự phòng, răng hàm mặt… nếu có nguyện vọng. Việc này sẽ tính trên tổng chỉ tiêu của toàn tỉnh sao cho phù hợp”.
Đây cũng là đề xuất của nhiều lãnh đạo sở y tế các tỉnh, thành. Ông Phạm Văn Lình, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, cho rằng đây là chủ trương hợp lý nhưng việc xin chuyển từ các ngành khác sang ngành bác sĩ đa khoa thì không được.
Theo bà Trần Thị Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nguồn nhân lực y tế phải được đầu tư lâu dài, không phải trong 1-2 năm là đạt được. “Thợ sửa máy, nếu sửa hư thì có thể đền cái khác chứ trình độ bác sĩ kém mà “sửa” hư người thì không đền được. Cái hư đó là tính mạng con người” - bà Thái phân tích.
Các đại biểu dự hội nghị đều cho rằng yêu cầu tăng cường bác sĩ là bức thiết, muốn đào tạo để nhanh chóng đạt được nhưng không thể đánh đổi chất lượng để có số lượng.
Lo ngại chất lượng bác sĩ trường tư Tại ĐBSCL, có 4 trường ngoài công lập đào tạo nhân lực ngành y và dược, gồm: ĐH Võ Trường Toản, ĐH Tây Đô, ĐH Tân Tạo, ĐH Nam Cần Thơ. Những trường này lấy điểm đầu vào các ngành bác sĩ đa khoa, dược sĩ rất thấp, chỉ bằng hoặc cao hơn điểm sàn 1-2 điểm. Lãnh đạo các sở y tế khu vực ĐBSCL cho biết rất lo ngại về chất lượng đào tạo cũng như khả năng chuyên môn của đội ngũ bác sĩ đào tạo từ những cơ sở này. |
Bình luận (0)