Đàng hoàng thì có gì phải sợ
Phân tích vụ việc, bạn đọc Sao Mai, nói rõ: “Nếu mình không làm gì sai thì tại sao phải sợ quần chúng nhân dân và nhà báo chụp ảnh? đáng lẽ việc làm này cần được khuyến khích, vì nó sẽ góp phần vào công việc phòng chống tiêu cực xảy ra trong ngành CSGT, góp phần xây dựng đội ngũ CSGT ngày càng trong sạch, đem lại sự tin yêu của người dân. Nếu cứ khăng khăng bảo vệ “lính tráng” như thế này thì khó thay đổi được cái nhìn thiếu thiện cảm của người dân với lực lượng CSGT như hiện nay”.
Không khách quan
Rất khó hiểu với quy định này, bạn đọc Việt Cường, nói: “Không thể có tình trạng văn bản dưới luật lại trái ngược với luật. Việc nên làm với ngành CSGT là chấn chỉnh lại tác phong, quy trình, điều lệnh của các chiến sỹ khi làm nhiệm vụ thay vì lo đối phó khi bị phanh phui những hành vi vi phạm pháp luật của lực lượng. Thực tế bao năm qua có bao nhiêu CSGT tiêu cực bị chính ngành công an phát hiện? Hầu hết những vụ việc tiêu cực đều do người dân, báo chí… phát hiện, tố cáo”.
Nhiều bạn đọc đặt vấn đề: Nếu bản thân họ bị CSGT vòi vĩnh, đòi tiền hoặc cố tình phạt sai quy định… thì họ phải quay phim, chụp hình làm bằng chứng để phản ánh hành vi sai phạm này. Nếu để CSGT có quyền “kiên quyết đấu tranh” với việc quay phim, chụp ảnh thì chắc chắn người dân sẽ mang vạ với những CSGT tiêu cực. Không khéo người dân bị phạt oan, vòi vĩnh… mà lấy máy ảnh ra thì mang thêm tội chống người thi hành công vụ. Từ nay những CSGT thiếu đạo đức sẽ có “vũ khí” mới để “hạ gục” bất cứ ai muốn lấy bằng chứng tố cáo họ.
Nhìn sự việc dưới góc độ khác, bạn đọc Sinan, phân tích: “Kiểu này, chắc chắn khi CSGT sắp dìu một cụ già băng qua đường thì người nào quay phim sẽ được CSGT mời mọc và hoan nghênh. Nhưng khi CSGT sắp sửa có hành vi tiêu cực thì họ được quyền cấm người khác ghi hình và được quyền tước đoạt máy ảnh, máy quay phim, được quyền hủy bỏ những đoạn phim hình ảnh "bất hợp pháp" vì không có phép? Tính khách quan của quy định này nằm ở đâu?”.
Phủ nhận cả luật "Nghe quy định sao đầy tính đe dọa. Ai chụp hình, quay phim thì “kiên quyết đấu tranh”, nhà báo chụp hình quay phim thì “tập hợp thông tin gửi về cơ quan chủ quản”. Công dân có quyền làm những việc mà pháp luật không cấm thì sao lực lượng này lại cấm. Nơi CSGT hoạt động là ở đường phố thì cũng đâu có biển cấm quay phim, chụp hình. Nhà báo hoạt động theo Luật Báo chí thì sao CSGT lại ngăn cản, lại “báo cơ quan chủ quản”. Chụp hình chống tiêu cực mà phải xin phép thì chống được ai? Quy định này phủ nhận luật được Quốc hội ban hành"-bạn đọc Hồ Cường.
|
Bình luận (0)