xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đổi mới dạy và học

Bài và ảnh: YẾN ANH

Hơn 10 ngày nữa, học sinh cả nước sẽ chính thức bước vào năm học mới 2013-2014 với nhiều thay đổi mạnh mẽ trong dạy và học

Đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh (HS) là một trong những điểm nhấn của bậc tiểu học trong năm học mới 2013-2014. Trong khi đó, bậc trung học sẽ tổ chức dạy phân hóa theo năng lực của HS. Giáo viên (GV) chủ động kết hợp hợp lý giữa kiểm tra trắc nghiệm tự luận với trắc nghiệm khách quan, giữa kiểm tra lý thuyết và thực hành.

Không cho điểm học sinh lớp 1

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho hay trong năm học này, bộ đã chỉ đạo các trường tiểu học đánh giá HS theo hướng động viên, khuyến khích, ghi nhận sự tiến bộ hằng ngày của từng em, giúp HS cảm thấy tự tin và vui thích với việc học tập.

Ông Hiển nhấn mạnh đến việc GV tăng cường đánh giá thường xuyên bằng nhận xét. Trong đó, chú trọng nhận xét cụ thể của GV về sự tiến bộ của HS hoặc những điểm HS cần cố gắng để có kế hoạch động viên, giúp đỡ kịp thời. Đặc biệt, đối với lớp 1, Bộ GD-ĐT khuyến khích GV chỉ nhận xét, không chấm điểm. Nếu chấm điểm, GV không nên thông báo điểm số cho gia đình HS.

Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu GV tuyệt đối không có biểu hiện so sánh giữa các HS, chê trách HS trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với bất kỳ động cơ nào.

img
Với học sinh lớp 1, không cần thiết phải chấm điểm

Chủ trương không cho điểm đối với HS lớp 1 của Bộ GD-ĐT đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi. Trên thực tế, cách làm này tuy giúp giảm áp lực cho trẻ cũng như phụ huynh song nhiều người lo lắng rằng nếu chỉ đánh giá bằng nhận xét, liệu có đánh giá đúng năng lực của HS? Trả lời băn khoăn này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh hiện chúng ta mới đánh giá HS học được cái gì, kết quả ra sao nhưng điều này là chưa đủ. Cần phải đánh giá làm sao để HS học tốt hơn. Với sự giúp đỡ của GV, HS tự đánh giá bản thân để qua đó kiểm soát được quá trình học tập của mình, nâng cao chất lượng học tập.

“Cho điểm dễ dẫn đến so sánh người nọ, người kia và điều này không cần thiết” - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhận xét. Ông cho biết Bộ GD-ĐT sẽ ban hành đánh giá hướng dẫn gửi các trường, GV không chỉ nhận xét mà còn hướng dẫn HS tự đánh giá. Việc cho điểm HS chỉ thực hiện ở bài kiểm tra cuối năm với những kiến thức tổng hợp trong 3 mức: Nhớ, hiểu và vận dụng kiến thức.

Thay đổi cách kiểm tra, đánh giá

Đối với giáo dục trung học, theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, các trường sẽ tổ chức dạy phân hóa theo năng lực của HS dựa theo chuẩn kiến thức, kỹ năng. GV tạo điều kiện, hướng dẫn HS rèn luyện kỹ năng tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, bồi dưỡng năng lực độc lập suy nghĩ nhằm khắc phục việc ghi nhớ máy móc, không nắm vững bản chất.

Các hình thức kiểm tra, đánh giá trong năm học tới cũng được thay đổi nhằm hướng tới phát triển năng lực của HS. “Việc kiểm tra, đánh giá không chỉ để xem HS học được cái gì mà quan trọng hơn là biết các em học như thế nào, có biết vận dụng không. GV phải kết hợp kết quả đánh giá trong quá trình giáo dục và đánh giá tổng kết cuối kỳ, cuối năm học” - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh trong hướng dẫn gửi các sở GD-ĐT và các trường trung học.

Để thực hiện việc đổi mới này, Bộ GD-ĐT nhắc nhở GV phải chủ động kết hợp một cách hợp lý, phù hợp giữa hình thức trắc nghiệm tự luận với khách quan, giữa kiểm tra lý thuyết và thực hành trong các bài kiểm tra. Với các môn khoa học - xã hội và nhân văn, GV cần nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tăng cường ra các câu hỏi mở gắn với thời sự quê hương, đất nước để HS bày tỏ ý kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc xây dựng ma trận đề kiểm tra cho mỗi chương và cả chương trình môn học.

“Khi chấm bài kiểm tra, GV phải có phần nhận xét, động viên sự cố gắng tiến bộ của HS. Việc cho điểm có thể kết hợp giữa đánh giá kết quả bài làm với theo dõi sự cố gắng, tiến bộ của HS. GV chú ý hướng dẫn HS đánh giá lẫn nhau và biết tự đánh giá năng lực của mình” - ông Hiển nhấn mạnh.

Mỗi năm tăng thêm 250 trường phổ thông

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, trong vòng 10 năm qua, bình quân mỗi năm cả nước tăng khoảng 250 trường phổ thông. Ngân sách chi cho giáo dục - đào tạo nói chung, trong đó có giáo dục phổ thông, không lớn nên trên tổng thể vẫn chưa đảm bảo đủ điều kiện tối thiểu.

Ông Phạm Vũ Luận cho biết tỉ lệ chi hiện nay cho các cơ sở giáo dục phổ thông là 80/20. Trong đó, 80% chi cho lương, 20% chi cho các hoạt động của nhà trường. Thực tế, nhiều địa phương đang phải chi với tỉ lệ 95/5, tức là dành hầu như toàn bộ kinh phí được cấp chi lương cho giáo viên. Nhà trường không còn kinh phí để duy trì hoạt động bình thường của mình.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo