Từ ngày 16 đến 18-1, tại TP HCM xuất hiện hiện tượng sương mù từ sáng đến chiều. Theo báo cáo nhanh của Trung tâm Quan trắc Tài nguyên Môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM; gọi tắt: Trung tâm Quan trắc), đó là hiện tượng mù khô hay còn gọi là mù quang hóa.
Bảng điện tử về môi trường lạc hậu
Lý giải hiện tượng này, Trung tâm Quan trắc cho rằng TP HCM có mật độ đô thị hóa cao, nhiều phương tiện giao thông, nhiều nhà máy có khí thải... Ngoài ra, TP phải tiếp nhận thêm ô nhiễm không khí từ các TP công nghiệp lân cận như Đồng Nai, Bình Dương khuếch tán theo hướng gió.
Hiện tượng này cũng ảnh hưởng không ít đến sức khỏe của người dân TP mà dễ thấy nhất là cảm giác cay mắt và đau cổ họng do bụi.
Đáng nói là dù trên đường phố có gắn 48 bảng điện tử kết quả quan trắc về mức độ ô nhiễm không khí để người dân nắm bắt tình trạng ô nhiễm môi trường ở TP nhưng thông tin lại không được cập nhật. Điển hình theo ghi nhận của phóng viên, tại đường Nguyễn Thị Minh Khai, bên hông Nhà Văn hóa Thanh niên TP HCM, bảng điện tử ghi số liệu chất lượng không khí từ… tháng 11-2017. Hoặc tại đường dẫn hầm Thủ Thiêm, bảng điện tử cũng là con số đo bụi trong không khí cách đây 2 tháng. "Hiện nay đã là tháng 1-2018 nhưng trên bảng vẫn còn ghi danh sách kết quả quan trắc môi trường hồi tháng 11-2017. Lên mạng xem thì thấy ở cổng thông tin quan trắc môi trường của Tổng cục Môi trường chỉ có 2 trạm đo ở Hà Nội và Đà Nẵng. Như vậy, người dân TP HCM rất bị động trong việc nhận biết môi trường không khí xung quanh mình. Đang ở tháng 1 hít phải không khí ô nhiễm nhưng phải đến tháng 2 hoặc tháng 3 ra ngoài đường xem bảng điện tử giao thông mới biết chỉ số môi trường, lúc đó đã đổ bệnh rồi" - anh Nguyễn Hữu Huy (quận 7, TP HCM) nói.
TS Hồ Quốc Bằng - Trưởng Phòng Ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu Viện Môi trường và Tài nguyên, ĐHQG TP HCM - cũng cho rằng trên thực tế ô nhiễm đang diễn ra quanh năm ở TP HCM. Kết quả đo nhiều lúc vượt quá quy định về bụi tổng hợp 1,5-2,2 lần. Điều này tác động đến hàng triệu người dân TP nhưng thông tin để người dân nắm bắt lại chậm trễ.
Bảng điện tử kết quả quan trắc về mức độ ô nhiễm không khí tại đường dẫn hầm Thủ Thiêm chỉ mới cập nhật đến tháng 11-2017. (Ảnh chụp ngày 22-1)
Đầu tư mở rộng mạng lưới quan trắc
Ông Cao Trung Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc, cho biết những ngày qua, không khí ở TP HCM "có vấn đề" do xảy ra hiện tượng mù quang hóa. Hiện tượng này xuất hiện trên địa bàn TP có tính chất chu kỳ. Trước đó, năm 2015, mù quang hóa đã xuất hiện từ ngày 1 đến 7-10 trên khắp TP và các tỉnh Tây Nam Bộ. Kết quả quan trắc tại 15 vị trí quan trắc chất lượng môi trường không khí, chất lượng không khí ở các ngày nói trên, bụi lơ lửng tăng 2,16 lần, NO2 tăng 2,54 lần… Năm 2016, hiện tượng mù khô tiếp tục diễn ra từ ngày 12 đến 15-10 xảy ra tại nhiều quận của TP như 1, 2, 6, 7, 9, Bình Tân, Tân Bình, Bình Thạnh, Thủ Đức…, lớp mù khô lơ lửng phủ mờ các tòa nhà cao tầng đến gần trưa, hiện tượng này giảm dần nhưng vẫn còn có sương mù che phủ ở một số nơi, bầu trời xám xịt gây cản tầm nhìn và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Về thông tin ở các bảng điện tử hiển thị rất chậm so với tình hình thực tế, ông Sơn giải thích do cách tính còn thủ công nên số liệu công bố chậm. Hiện UBND TP đã chấp thuận chủ trương đầu tư mở rộng mạng lưới quan trắc môi trường không khí từ 20 trạm lên 34 trạm; khẩn trương đầu tư các trạm quan trắc không khí tự động, cập nhập liên tục.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết để kiểm soát được không khí ở TP, sở đang thực hiện việc kiểm tra nguồn khí thải ở các khu công nghiệp, đồng thời đề xuất TP đầu tư thêm mảng xanh. Về hiện tượng mù khô chỉ mang tính chu kỳ, trước mắt khuyến cáo người dân chủ động bảo vệ sức khỏe.
Hạn chế ra ngoài
Trung tâm Quan trắc khuyến cáo trong những ngày xuất hiện hiện tượng mù khô, người dân, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ có thai và người lớn tuổi, hạn chế ra ngoài và tham gia giao thông. Khi có nhu cầu ra ngoài, cần đeo khẩu trang, kính che toàn bộ mắt và che chắn khi tiếp xúc trực tiếp với sương mù ô nhiễm. Nhỏ mắt, mũi bằng nước muối sinh lý. Tăng cường vệ sinh nhà cửa, phòng ốc, đồ chơi, hệ thống chiếu sáng và làm thông thoáng môi trường sống. Hạn chế phơi áo quần, thực phẩm. Hạn chế sử dụng nước mưa.
Bình luận (0)