Ông Nguyễn Ngọc Thuận, Giám đốc Công ty CP Gốm sứ La Tháp (Quảng Nam), bên nhà xưởng bị bão tàn phá Ảnh: Trần Thường
Tài sản trôi theo dòng nước
Sáng 20-11, ngồi bên căn nhà còn in vết lũ ngập đến nửa bức tường, ông Nguyễn Văn Quảng (ngụ xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) thẫn thờ vì 5 ngày qua, tin tức về con tàu của ông bị lũ cuốn trôi vẫn chưa có. Ông Quảng cho biết cửa biển Cửa Đại bị bồi lấp, cả tháng qua tàu của ông cùng nhiều tàu thuyền khác phải neo đậu tạm ở sông Phú Thọ. Chiều 15-11, nước cuồn cuộn từ thượng nguồn đổ về, dâng lên đột ngột bức dây neo hàng chục tàu đang đậu ở đây. Trong phút chốc tàu của ông Quảng cùng 13 tàu khác của ngư dân xã Nghĩa An bị cuốn phăng ra biển.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cứu được 5 tàu, những chiếc khác bị chìm. “Vay mượn ngân hàng, dành dụm bao nhiêu năm đi biển mới đóng được con tàu là tài sản lớn nhất của gia đình trị giá 1,5 tỉ đồng. Mất tàu rồi, lấy gì trả nợ?” - ông Quảng chua xót.
Trong khi đó, hàng chục hộ dân làm nghề nuôi cá nước ngọt ở huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) cũng đau đáu nỗi lo khi hàng chục tấn cá đang đến vụ thu hoạch đã bị lũ cuốn trôi. Nhà cửa, vườn tược bị hư hại, giờ họ phải đối diện với cái nghèo và nợ nần do mất cả nguồn thu nhập chính.
Ông Nguyễn Hạnh (thôn Phú Sơn 3, xã Hòa Khương) cho biết gia đình ông vay gần 50 triệu đồng nuôi 4 sào cá nước ngọt đang bắt đầu thu hoạch, ước tính được gần 2 tấn cá, giá trị hơn 60 triệu đồng. Lũ về chỉ trong một ngày và số tiền trên trôi theo dòng nước. Đa số các hộ dân nuôi cá nước ngọt ở đây đều vay vốn ngân hàng để cải tạo hồ nuôi, mua con giống. Bây giờ lũ cuốn hết, gần 50 hộ nuôi cá ở địa phương này đã lâm vào cảnh nợ nần. “Giờ chỉ mong sao chính quyền thành phố hỗ trợ con giống để chúng tôi tiếp tục với nghề nuôi cá, tìm cách trả nợ” - ông Hạnh cùng nhiều người dân mong mỏi.
Đối diện nguy cơ phá sản
Rất nhiều DN cũng bị thiệt hại nặng do trận lũ vừa qua. Các DN cho biết trong những năm qua, kinh tế khó khăn, họ phải vất vả để tồn tại. Quyết tâm phục hưng, vay tiền bạc đầu tư lại nên từ đầu năm 2013 đến nay sản xuất có chuyển biến tốt. Bỗng chốc cơn lũ tràn về vùi dập, cuốn phăng tài sản, giờ phải đối mặt với nguy cơ phá sản.
Điển hình là DN tư nhân Kim Thành (đóng tại huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi), chuyên kinh doanh thiết bị điện tử, bị nước lũ nhấn chìm máy móc, tivi, tủ lạnh… ước tính tổng thiệt hại đến 1,5 tỉ đồng. “Toàn bộ hàng hóa, sản phẩm bị nước lũ nhấn chìm bây giờ đã hỏng. Thiệt hại lớn thế này công ty rất khó gượng dậy” - ông Trần Khánh Trình, chủ DN, buồn bã.
Cùng hoàn cảnh, ông Nguyễn Công, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kỷ Nguyên (Quảng Ngãi), cho biết: “Đêm xảy ra lũ lớn, nước lên quá nhanh, máy móc bị ngập nên đã hỏng hết. Thiệt hại hàng tỉ đồng như thế này chắc công ty không thể nào trụ vững”. Khổ nhất vẫn là những người trồng cao su ở Quảng Nam. Sau bão, những rừng cao su đến kỳ thu hoạch bị gãy đổ hàng loạt. Nợ nần bao năm đi vay để chăm sóc vườn cao su bây giờ không biết lấy gì để trả.
Doanh nghiệp cần được hỗ trợ Ông Cao Khoa, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết trận lũ vừa qua đã gây thiệt hại nặng cho tỉnh Quảng Ngãi với tổng giá trị thiệt hại khoảng 1.730 tỉ đồng. Trong đó, rất nhiều tài sản của người dân, DN bị nước lũ nhấn chìm. UBND tỉnh cũng đang đề nghị trung ương hỗ trợ 350 tỉ đồng khắc phục thiệt hại do bão lũ gây ra cho người dân bị thiệt hại trên địa bàn. Ông Trần Văn Trường, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, cho biết theo ước tính sơ bộ, trận lũ vừa qua đã gây thiệt hại cho địa phương gần 12 tỉ đồng. “Hiện huyện đề nghị lãnh đạo UBND TP xem xét có chính sách hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại. Đặc biệt, cần gia hạn nợ và cho vay ưu đãi để các DN có điều kiện phục hồi sản xuất” - ông Trường nói. |
Bình luận (0)