Vả lại, thủy điện không thể tồn tại chỉ theo sáng kiến của chủ doanh nghiệp, theo kiểu thích là làm. Cần có giấy phép của nhà chức trách có thẩm quyền để một dự án thủy điện được triển khai. Việc phê duyệt một dự án thủy điện phải được thực hiện trên cơ sở xem xét quy hoạch tổng thể cũng như những tác động của một nhà máy thủy điện mới đối với môi trường sống một khi được đưa vào vận hành. Hơn ai hết, nhà chức trách có thẩm quyền, trong lĩnh vực thủy điện, chủ yếu là Bộ Công Thương, phải là người giữ vai trò chính trong các công việc này.
Cũng chính Bộ Công Thương phải cầm trịch trong việc điều hòa, phối hợp hoạt động của mạng lưới thủy điện trên phạm vi quốc gia cũng như trong từng vùng, từng khu vực. Cương vị quản lý trung tâm cho phép Bộ Công Thương nắm được thông tin chính xác về quy mô, năng lực của từng nhà máy thủy điện; từ đó, cơ quan quản lý có thẩm quyền có điều kiện kiểm soát, điều tiết việc tích nước, xả nước của từng nhà máy. Điều quan trọng là bảo đảm việc tích nước cho thủy điện không dẫn đến khô hạn cho vùng hạ du cũng như việc xả nước của tất cả các nhà máy tại cùng một khu vực tại cùng một thời điểm không tạo ra lũ dữ đe dọa tài sản, tính mạng của người dân.
Thiếu một nhạc trưởng giữ vai trò điều hòa, phối hợp, các doanh nghiệp thủy điện lâu nay vận hành tự phát. Bởi vậy mới có tình trạng “chiến tranh” giữa các hồ chứa để giành giật nước trong mùa khô và cuộc tháo chạy tập thể để tránh vỡ hồ đập trong mùa mưa bằng cách xả nước ồ ạt về hạ du. Kiểu ứng xử theo bản năng sinh tồn của các “Thủy Tinh” thời hiện đại đẩy người dân lành vô can vào cuộc sống khốn đốn suốt quanh năm.
Việc quy trách nhiệm của nhà quản lý và của chủ nhà máy thủy điện về những thiệt hại do các trận lũ có cơ sở là những nguyên tắc sơ cấp của pháp luật về trách nhiệm dân sự. Theo một trong những nguyên tắc này, trong trường hợp bị tổn thất không phải do lỗi của mình, cũng không phải do ông trời hay một nguyên nhân bất khả kháng nào khác thì người bị thiệt hại có quyền truy tìm cho được ai đó đã có hành vi dẫn đến hậu quả mất mát cho mình để đòi bồi thường. Với nguyên tắc đó, một hành vi không trái luật, thậm chí đúng luật, cũng có thể là căn cứ để quy trách nhiệm dân sự, một khi tác giả của hành vi biết hoặc buộc phải biết về hậu quả bất lợi mà mình sẽ gây ra cho người khác nhưng vẫn cứ làm.
Bình luận (0)